Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Già làng và Luật tục

Chủ nhật, 29/12/2013 - 10:29

(Thanh tra) - Hơn 10 năm trước, tôi vinh dự tham dự một Hội thảo mang tầm quốc gia và quốc tế với sự có mặt của đông đủ các nhà khoa học xã hội trong nước và nước ngoài tại tỉnh Đắk Lắk. Hội thảo tập trung bàn luận vấn đề Luật tục ở Tây Nguyên, một nội dung khá hấp dẫn, kỳ thú và hơn thế là giá trị nhân văn cao, có mối liên quan đến vai trò của Già làng; một nhân vật quan trọng đặc biệt trong cuộc sống xã hội cộng đồng tại các buôn làng ở Tây Nguyên. Chính Già làng là người sử dụng, điều khiển Luật tục như một “thứ luật bất di bất dịch” mang lại nhiều hiệu quả khi mà xã hội hãy còn sơ khai, chưa có sự điều hành xã hội bằng pháp luật.

Các dân tộc cùng nhau đoàn kết, giữ vững bản sắc dân tộc mình .

Từ xa xưa, vai trò của Già làng ngoài việc dạy bảo, điều hành con cháu làm những việc tốt, việc có ích cho cộng đồng, việc nhân nghĩa và sống có trước có sau ở trên đời; Già làng còn ứng xử, xử lý những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp của các dòng họ, bà con từ trẻ đến già trong làng sống một cách có tình có lý, hay nói cách khác là thấu đáo và có phần khoa học, ai cũng răm rắp nghe theo, ưng cái bụng và sống với nhau bình yên, thỏa đáng. Nghĩa là Già làng đã góp phần làm ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội ngay tại địa bàn dân cư. Và khó có ai thay thế uy tín “một cách đương nhiên” này được.

Đã có lần tôi may mắn nghe và trao đổi với ông Ksor Krơn (tức Nguyễn Văn Sỹ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai), cho rằng: Có một thứ Luật (Luật tục) ở làng không phải cao siêu hay khó làm gì cả, mà cũng chính các Già làng nghĩ ra, mọi người nghe và làm theo thấy đúng và tin đến cùng. Chẳng hạn, có hai thanh niên trong làng xích mích với nhau, không ai chịu thua ai, đến gặp Già làng xử lý, sau khi phân tích phải trái, đúng sai và cả hai nhận ra phần lỗi của mình. Lúc này, Già làng nói hai thanh niên ngoéo tay với nhau và hứa từ nay về sau không thắc mắc, gây gổ với nhau nữa, như một lời nguyền trong cuộc sống. 

Có nhiều vụ việc tranh chấp về đất đai, hoặc kiện tụng về hôn nhân gia đình, toà án địa phương các cấp xử không được, cuối cùng phải đưa về Già làng đứng ra xử thấu tình đạt lý, mọi người nghe và bên phạm lỗi sẵn sàng bồi thường cho bên đúng, ai cũng ra về hoan hỉ. Người dân tộc có một tâm lý là rất tối kỵ với sự gian dối, làm chuyện gì không đúng sự thật thì họ chối bỏ ngay, không bao giờ họ nghe và tin. Đối với dân làng, mất niềm tin là mất hết, mất nhiều cái lớn trong cuộc sống.

Hãy nghe Già làng Y Yăm (năm nay 79 tuổi ở bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) tâm sự rất chân tình:

Già làng ngày xưa giáo dục con cháu, giáo dục bon làng đoàn kết, không được làm sai luật lệ của làng, không ăn trộm của nhau... Ngày nay, ngoài những việc trên, Già làng còn phải suy nghĩ làm gì để các dân tộc cùng đoàn kết với nhau, làm sao để phát triển kinh tế, không bị đói nghèo, làm cách nào để kẻ xấu không lừa phỉnh được đồng bào mình bỏ quê hương, bon làng mà làm điều sai trái, làm sao để giữ vững bản sắc dân tộc mình… Già Y Yăm còn nói thêm là chính bản thân già đã đến từng nhà, từng dòng họ để khuyên răn, nói điều phải trái khi có dấu hiệu mất đoàn kết. Đối với người M’Nông đoàn kết là tin tưởng, làm theo không kể già trẻ. 

Vào dịp tháng 12/2008, Già được Ban Dân vận huyện uỷ tổ chức đưa đi viếng Lăng Bác Hồ. Tại đây, chính già nhìn thấy nhân dân các vùng Bắc, Trung đều hăng hái lao động sản xuất, làm giàu trên quê hương mà không chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; còn riêng bà con dân làng mình thì sướng quá đi đâu cũng có xe đưa, ốm đau đến bệnh viện khám trị mà chẳng tốn đồng nào, con em còn được cử tuyển đi học các trường đại học, cao đẳng... 

Già Y Yăm đã kể lại và phân tích cho đồng bào mình ở làng như thế, phải tự thân vươn lên hơn nữa, phải biết tiết kiệm để có của dành dụm làm nhiều việc có ích hơn, phải cố gắng vươn lên cho bằng anh em các miền xuôi... 

Riêng ở thị xã An Khê có một nữ Già làng. Chuyện lạ xưa nay hiếm (Gia Lai đến nay có 3 người), bà Đinh Thị Oanh ở làng Pôt, xã Song An, thị xã An Khê từng nhiều năm là cán bộ phụ nữ của xã Ya Hội (nay thuộc huyện Đăk Pơ), quen và kinh nghiệm công tác xã hội, bà đi suốt ngày vận động dân làng làm ăn sống tốt với gia đình, chồng con và nhất là đối với các đôi vợ chồng trẻ, ngoài việc yêu thương, đùm bọc nhau, còn phải biết lao động, xây dựng cuộc sống ấm no và đặc biệt không được nghe theo lời phỉnh dụ của kẻ xấu làm việc có hại đến nhân dân, buôn làng. Từ việc làm tạo uy tín của bà nên bà xứng đáng được tôn vinh Già làng. 

Tôi cũng đã nghe Già làng A Hiu (66 tuổi ở làng Plei Groi, xã Chư Hreng, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khoe một cách tự hào rằng: “Không riêng gì làng Plei Groi của mình, mà tất cả các làng khác của thị xã Kon Tum đều tập trung chào cờ, hát Quốc ca vào mỗi sáng thứ Hai. Ai không biết hát Quốc ca, tôi nhờ thanh niên, phụ nữ trong làng dạy lại, đến giờ ai cũng hát được”. Việc làm đầy ý thức công dân này đã có từ hơn mười năm nay tại vùng đất nghèo Kon Tum.

Già làng ngày nay càng năng động, nhạy bén với thời sự, thông tin hiểu biết trong huyện trong tỉnh và cả nước hơn, bởi sự trẻ hoá, sự chịu khó học tập, trau dồi kiến thức giúp bà con dân làng làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.

Lê Bá Tuế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm