Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 31/07/2020 - 06:37
(Thanh tra)- “Nếu người mẹ khi sinh con xong chẳng may chết thì đứa trẻ mới sinh ra cũng bị chôn sống theo hoặc bị đưa lên rừng cho thú dữ ăn thịt”. Đó là chia sẻ đầy xót xa của bà Đinh Nay Huỳnh (60 tuổi), người Ba Na trú tại làng Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê. Không chấp nhận hủ tục lạc hậu này, bà Huỳnh đứng lên đấu tranh dẹp bỏ hủ tục, giành sự sống cho những đứa bé vô tội.
Bé Nay Thương sống an yên bên cạnh người mẹ nuôi Đinh Nay Huỳnh. Ảnh: CTV Khuất Nguyên
Người đồng bào Ba Na tại làng Tung Ke thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê đã từng tồn tại một hủ tục “mẹ chết chôn con theo”. Hủ tục này có ở làng Tung Ke từ hàng chục năm nay và đã trở thành “luật” làng đầy khắc nghiệt.
Theo hủ tục này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải bị bỏ xuống huyệt chôn theo mẹ. Trẻ đã vài tuần, thậm chí đầy tháng tuổi mà mẹ ốm chết vì kiệt sức, hậu sản, thì đứa trẻ cũng bị chôn sống theo hoặc bị đưa lên rừng để thú dữ ăn thịt. Còn nếu, người mẹ đẻ con ra mà chưa kết hôn, đứa trẻ sẽ bị đạp hoặc bị chính người mẹ bóp cổ cho đến chết.
Tục lệ này cũng áp dụng với phụ nữ có chồng, nhưng chồng chết mà vẫn mang bầu với người khác, thì đứa trẻ khi sinh ra cũng bị tước đi cái quyền được sống. Cứ như thế, người làng Tung Ke chìm đắm trong hủ tục từ đời này qua đời khác. Họ cho rằng những đứa trẻ đó không được công nhận. Người mẹ nào vừa sinh con ra mà bị qua đời là xui xẻo, linh hồn người mẹ sẽ không siêu thoát được nếu như con còn sống. Rồi con ma rừng, ma núi sẽ về trừng phạt cả buôn làng…
Mặc dù hiện nay, hủ tục này đã không còn tồn tại nhưng những ký ức đau thương cứ ám ảnh người dân nơi đây, nhất là đối với bà Huỳnh. Bởi lẽ bà chính là người phụ nữ Ba Na đầu tiên dám đứng lên chống lại hủ tục, chống lại con ma rừng để giành lấy sự sống cho các trẻ em nơi đây. Những đứa trẻ bị cả buôn làng bỏ rơi năm nào, giờ đây đã được đến trường học cái chữ và hơn hết là được sống một cuộc sống an yên bên gia đình.
Bà Huỳnh đã cứu sống được 3 đứa trẻ, trong đó có một bé gái được bà nhận làm con nuôi.
Nhớ lại việc đứng lên chống lại hủ tục của buôn làng bà Huỳnh cho biết: “Bản thân tôi không phải người dân gốc làng Tung Ke. Vào năm 1995 tôi được nhận vào làm giáo viên của một trường học ở làng. Từ đây, tôi bắt đầu chứng kiến những cái chết vô tội. Hình ảnh đứa trẻ đỏ lòm, máu miệng trào ra cứ ám ảnh trong mỗi giấc ngủ của tôi. Điều này thôi thúc tôi phải cứu những đứa trẻ vô tội. Ngày hôm sau, tôi lên trình báo xã với mong muốn cùng xã đi tuyên truyền, vận động để giúp người làng thay đổi suy nghĩ, từ bỏ hủ tục này”.
Theo bà Huỳnh cho biết, đã cứu sống được 3 đứa trẻ. Đứa thứ nhất bà cứu sống vào năm 2005. Đứa trẻ vô tội ấy là con của bà Đinh Sang. Bà Sang chồng chết nhưng lại có bầu. Nên khi nghe tin bà Đinh Sang chuẩn bị đẻ, bà liền có mặt kịp thời, giành lấy đứa trẻ rồi đưa đến trạm y tế xã sơ cứu. Đứa trẻ ấy may mắn được cán bộ y tế nhận nuôi.
Rồi đầu năm 2012, bà Huỳnh đã cứu được một bé gái từ trong bụng người mẹ xấu số. Hiện tại, đứa bé ấy đang được bà nhận nuôi và đặt tên là Thương với mong muốn sau này con lớn lên sẽ sống bao dung và yêu thương mọi người.
“Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, mẹ cháu Thương tên là Hem, sống sát vách nhà tôi. Lúc mang bầu cháu vào tháng thứ 7, bà Hem đi làm rẫy rồi bị sốc thuốc cỏ dẫn đến tử vong. Khi tôi qua nhà đã thấy bà Hem ngừng thở rồi. Áp tai vào bụng Hem tôi cảm nhận được sự sống của đứa trẻ vẫn còn. Sợ người nhà giết đứa trẻ trong bụng. Tôi phải giả vờ hét lên trước người nhà Hem là nó còn sống để người ta đưa đi cấp cứu. Thế rồi, Hem được chuyển lên trạm y tế, rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện huyện Chư Sê. Với sự nỗ lực của y, bác sỹ mà ngày 22/4, Thương ra đời.
Để giành lấy sự sống cho Thương, tôi phải rời bệnh viện vào ban đêm rồi đưa con về nhà. Vì lo sợ người nhà Hem phát hiện sẽ giết cháu nên tôi đóng cửa ở trong nhà 3 ngày để trông nom không để người ta đến bắt Thương đi. Mấy ngày sau, tôi lên xã làm thủ tục nhận con nuôi, xin nghỉ 2 tháng làm để ở nhà lo cho con. Sau đó tôi về nhà nói chuyện thuyết phục gia đình phía bên nhà Hem kèm theo lời hứa “nếu con ma rừng có trừng phạt thì tôi sẽ chịu phạt thay gia đình Hem”. Và thật may mắn làm sao khi tôi nhận sự đồng thuận của gia đình Hem”.
Vừa kể chuyện bà Huỳnh vừa gọi Thương vào nhà và nói: “Nó là con gái nuôi tôi đó. Cháu sinh ra đã khổ nhưng tôi thấy cháu có sức sống phi thường lắm. Tôi nuôi cháu lớn chỉ bằng nước gạo pha với đường chứ không có một giọt sữa nào hết. Thật hạnh phúc, cháu lớn lên người trong buôn làng ai cũng bảo giống tôi”.
Cũng theo bà Huỳnh chia sẻ, vào cuối năm 2012, bà cùng chính quyền địa phương đã “giải cứu” thành công mẹ con chị Đinh Bách. Do khao khát có một người con để bầu bạn nên chị Bách đã ngủ với một người đàn ông trong làng… Biết chị Bách có thai khi chưa có chồng nên dân của buôn làng đã kéo đến bắt đi phá thai nếu không cả làng sẽ bị con ma làng trừng phạt.
“Lúc đó khi nghe tin, tôi liền chạy lên báo với chính quyền địa phương. Ngay lập tức tôi cùng lãnh đạo xã nhanh chóng có mặt để tuyên truyền, vận động dân làng. Cũng may lần này có cán bộ xã nên người dân mới đồng ý cho Bách sinh con”.
Đến nay, công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương thì hủ tục khắc nghiệt ấy đã được người dân Tung Ke dẹp bỏ… Đời sống, dân trí của người dân nơi đây ngày được nâng lên. Hy vọng, người Ba Na làng Tung Ke nói riêng và dân tộc Ba Na nói chung cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác nhanh chóng loại bỏ các hủ tục, từng bước xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.
CTV Khuất Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh