Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới trên chiến khu Hùng Lợi

Thứ ba, 06/02/2024 - 13:30

(Thanh tra)- Khi những vạt cải trên nương bừng trổ hoa mang màu vàng miên man của nắng; những cành hoa mận, hoa đào bung nở sắc trắng, hồng rung rinh trước gió, đấy là lúc “nàng Xuân” đã về trên xã vùng cao ATK Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chị Dương Thị Luyến, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi đầu tư máy dệt thổ cẩm phát triển kinh tế. Ảnh: Anh Vũ

Mùa xuân này, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nơi đây được vui Tết, đón Xuân trong điều kiện đủ đầy, ấm áp bên những nếp nhà khang trang, những con đường bê tông chạy dài tít tắp khắp bản làng…

Sức sống mới…

Hùng Lợi là xã ATK của huyện Yên Sơn, những năm trước, người dân chủ yếu trồng ngô, lúa, sắn. Trải qua nhiều năm canh tác, đất đai bạc màu nên năng suất không cao, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn…

Ngày nay, Hùng Lợi đã đổi khác, khoác lên mình một “tấm áo mới”, đường vào các bản đều được đổ bê tông phẳng lỳ, các con suối đã có cầu bắc qua, cạnh đó là những cánh rừng xanh mướt. Và nổi bật hơn cả, trên nóc mỗi căn nhà, những lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước gió…

Xuân này cây cầu bắc qua sông Phó Đáy đã nối thôn Bum Kẹn thành một dải. Cây cầu có chiều dài 72m, chiều rộng mặt cầu 6,5m, được đầu tư kinh phí xây dựng gần 14,8 tỷ đồng đã hoàn thành hồi tháng 8/2023.

Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi Triệu Văn Quỳnh cho biết, gần 190 hộ dân với 900 nhân khẩu đồng bào Mông, Dao, Nùng ở thôn Bum Kẹn và Khuổi Ma đã được hưởng lợi trực tiếp từ công trình; cây cầu cũng giúp kết nối xã ATK Hùng Lợi (Yên Sơn) với xã ATK Trung Yên (Sơn Dương), tạo thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng nghìn ha của 2 xã, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn.

Phấn khởi khi có cây cầu chạy qua, Trưởng thôn Bum Kẹn Hoàng Văn Tuyến vui mừng: “Tết này, người Mông, người Nùng ở Bum Kẹn vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó khăn. Người dân mong có cây cầu từng ngày, nay giấc mơ đã thành sự thật, giao thông thuận tiện 4 mùa, không còn cảnh mưa lũ không về được nhà. Có cầu mới, thôn sẽ phát triển tốt hơn 200ha rừng trồng, nuôi trâu, bò, lợn, gà… mở hướng thoát nghèo”.

Đón Tết trong căn nhà 2 tầng mới xây khang trang, anh Hoàng Văn Sành, dân tộc Mông, thôn Bum Kẹn khoe: Năm nay, gia đình mổ hẳn con lợn 70kg ăn Tết và khao anh em vì làm được nhà mới.

Anh kể, “xây nhà tất thảy trị giá 800 triệu đồng, đó là tiền tích cóp từ bán 5ha gỗ rừng trồng và từ trồng ngô, khoai, sắn gần chục năm qua. Nay được tỉnh, huyện làm cầu, làm đường vào thôn, chả mấy chốc Bum Kẹn sẽ có nhiều nhà bứt lên, cái nghèo sẽ giảm dần…”.

Cây cầu bắc qua sông Phó Đáy đã nối thôn Bum Kẹn thành một dải. Ảnh: Anh Vũ

 Niềm vui được nhân lên sau 33 năm, lần đầu tiên 306 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn đặc biệt khó khăn như Khuổi Ma, Tấu Lìn và Bum Kẹn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo cho biết, năm 1990, đồng bào dân tộc Mông trong thôn di cư từ tỉnh Cao Bằng về xã Hùng Lợi sinh sống. Đồng bào luôn nghe theo Đảng, Bác Hồ định canh, định cư, yên tâm lao động, sản xuất. Khuổi Ma là thôn nằm cách trung tâm của xã khoảng 10km, giao thông đi lại rất khó khăn, cả thôn có 66 hộ với 362 nhân khẩu. Vì ở vùng sâu, vùng xa nên giữa năm 2022, thôn mới được kéo điện lưới quốc gia.

“Đầu năm 2023, bà con được đón nguồn điện lưới, ánh sáng về với những ngôi nhà của đồng bào như xua tan đi cái lạnh nơi rừng núi cao. Mùa Xuân này, ở Khuổi Ma vui hơn vì niềm ước ao bao lâu nay đã thành hiện thực. Nhân dân không còn phải dùng đèn, tua bin nước hay điện năng lượng mặt trời nữa, nhiều hộ dân trong thôn đã mua sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất…”, Trưởng thôn Khuổi Ma hồ hởi khoe.

Cùng chung niềm vui, anh Sầm Văn Sình, thôn Tấu Lìn tâm sự: “Bà con nhà hiến đất đồi, người hiến đất ruộng, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để công trình điện lưới quốc gia được thi công. Nay có điện, gia đình mình đã mua tivi, đầu tư máy quay mật ong, máy xay xát phục vụ bà con trong thôn, từng bước cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, mình còn học được nhiều cách làm hay, cách áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước qua tivi nữa...".

Cô gái Mông ở Hùng Lợi đi chợ sắm Tết. Ảnh: Anh Vũ

Mở hướng… thoát nghèo

Không chỉ hạ tầng thay đổi mà những năm gần đây, tư duy của người Mông, Tày, Nùng ở Hùng Lợi cũng đã thay đổi. Việc làm kinh tế, làm giàu từ đồng đất quê hương, đặc sản, truyền thống của dân tộc được người dân chú trọng và tìm cách phát huy.

Dừng chân ở bản Nà Tang, theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Lầu Văn Thào, người 20 năm làm Bí thư Chi bộ Nà Tang - cũng là người có uy tín của bản Mông, am hiểu về nghề dệt truyền thống của người Mông nơi đây.

Ông Thào cho biết: “Nghề trồng lanh dệt vải của người Mông đã có từ lâu đời. 89 nóc nhà người Mông của Nà Tang, hầu như nhà nào cũng có khung và đồ nghề dệt vải. Theo quan niệm của người Mông, cô dâu, chú rể trong ngày cưới đều phải diện trang phục bằng vải do chính người phụ nữ dệt thành; dệt vải thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của người phụ nữ”.

Nhờ truyền thống đó, người Mông ở Nà Tang đã phát triển nghề dệt may quần áo người Mông theo hướng hiện đại để thúc đẩy kinh tế. Ông Thào nói “bây giờ, nhiều người Mông mặc quần áo được dệt bằng máy móc, nhiều màu sắc, hợp thời trang mà lại tiết kiệm tiền thời gian, tiền bạc. Nắm bắt nhu cầu, một số thanh niên Mông ở bản Nà Tang đã đầu tư máy móc dệt thổ cẩm “khởi nghiệp” từ dệt vải, may trang phục người Mông cung cấp cho người Mông trong cả nước. Hiện, Nà Tang có 4 xưởng dệt, may trang phục Mông”.

Đang nhanh tay cắt những sợi chỉ thừa trên khung dệt vải thổ cẩm, chị Dương Thị Luyến, một trong những hộ người Mông trẻ dệt vải Mông cung cấp cho các tỉnh cho biết, gia đình đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy thêu thổ cẩm. Số tiền đầu tư vừa vay ngân hàng, vừa vay bạn bè. Qua 2 năm thấy nghề này có triển vọng phát triển nên giờ 2 vợ chồng tập trung đầu tư làm. Khi có đơn hàng lớn thì thuê thêm người trong thôn hỗ trợ.

Gia đình anh Hoàng Văn Sành, dân tộc Mông, thôn Bum Kẹn xây được nhà khang trang từ phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Anh Vũ

 Gần với xưởng của chị Luyến là xưởng may quần áo Mông của chị Hoàng Thị Mai, 28 tuổi, đã có kinh nghiệm 7 năm làm chủ xưởng.

Chị Mai chia sẻ, cách đây 3 tháng, xưởng của chị đã nhận đơn hàng 500 váy áo Mông của các tỉnh Tây Bắc phục vụ người Mông mặc dịp Tết Nguyên đán. Ngoài bán trực tiếp, các mặt hàng còn được giới thiệu, bán trên các nền tảng công nghệ số như zalo, facebook, youtube... Doanh thu mỗi tháng đạt trên 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động người Mông...

Mùa Xuân đang về trên mảnh đất chiến khu Hùng Lợi mang theo khát vọng của các chàng trai, cô gái Mông làm giàu từ quê hương, bản sắc dân tộc mình. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang dần được hiện hữu trên mảnh đất Hùng Lợi. Đây là động lực, niềm tin giúp bà con nơi đây tiếp tục phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống, cùng chung tay tiếp tục “vẽ” lên những mùa Xuân sung túc, đủ đầy.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm