Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đội cứu hộ tự quản đặc biệt dưới chân núi Lang Biang

Vũ Linh

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Vốn là những người xuất thân từ bộ đội, sau khi xuất ngũ, họ đã tập hợp lại và cùng nhiều thành viên khác có cùng chí hướng thành lập đội tự quản để hỗ trợ lực lượng chính quy tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, Đội trưởng Đội PCCC và tìm kiếm CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương. Ảnh: Vũ Linh

Cánh tay đắc lực hỗ trợ công tác CHCN

Có mặt tại khu huấn luyện của Đội PCCC và tìm kiếm CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, phóng viên Báo Thanh tra khá ngạc nhiên trước quy mô về cơ sở vật chất khi nơi đây có đầy đủ cả nhà lưu trú, hồ bơi, nhà chứa xe cứu hộ, xe chữa cháy, hồ lấy nước, các phương tiện cứu hộ đường thủy, đường bộ phục vụ cho công tác PCCC và CHCN…

Ông Đặng Ngọc Hiệp, Đội trưởng Đội PCCC và tìm kiếm CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương, người trực tiếp vận hành các hoạt động của đội cho biết, vừa mới cơ bản hoàn thiện và đưa vào hoạt động khu huấn luyện này được một thời gian.

Theo ông Hiệp, khoảng năm 2011, xuất phát từ việc nhìn thấy thực tế lúc đó đường xá đi lại tại nhiều nơi trên địa bàn huyện còn khó khăn, vất vả, ảnh hưởng rất lớn trong trường hợp trên địa bàn xảy ra các vấn đề bất trắc như cháy rừng, tai nạn giao thông hoặc đuối nước… Hội Cựu chiến binh thị trấn Lạc Dương gồm 6 người đã quyết định thành lập một tổ tự phát tại chỗ, để trong một vài tình huống khẩn cấp có thể hỗ trợ, phối hợp với lực lượng chính quy thực hiện công tác PCCC và CHCN được kịp thời.

Sau khi thấy được hiệu quả hoạt động của tổ, cùng sự đề xuất của Công an thị trấn, đến tháng 8/2018, UBND thị trấn Lạc Dương có quyết định chính thức thành lập Đội PCCC và tìm kiếm CHCN tự quản, với tiền thân là tổ tự phát kể trên.

Theo ông Hiệp, vào giai đoạn cao điểm, đội đã thu hút gần 80 thành viên tham gia. Mặc dù là đội cứu hộ tự phát, nhưng tất cả các thành viên trong đội đều được các lực lượng chính quy huấn luyện một cách bài bản về mặt nghiệp vụ cũng như cấp chứng chỉ hoạt động.

Ngoài những trang thiết bị anh em trong đội tự bỏ tiền ra mua, đội cũng được chính quyền địa phương quan tâm trang bị thêm một số thiết bị cần thiết để tham gia công tác PCCC và CHCN.

“Chúng tôi đang duy trì số lượng thành viên thường xuyên là 44 người. Các thành viên trong đội bao gồm: Đoàn viên thanh niên, ban bảo vệ dân phố, thành viên câu lạc bộ ô tô - mô tô địa hình Langbiang, và đặc biệt trong đó có 15 người là cựu chiến binh. Về phương tiện vận hành công tác PCCC và CHCN, đội đã có 10 phương tiện cơ giới hỗ trợ cứu hộ trên bộ và 7 phương tiện cứu hộ đường thủy. Bên cạnh trụ sở chính nằm ở thị trấn Lạc Dương, đội còn thành lập các lực lượng tại chỗ đóng quân trên địa bàn một số xã để ứng phó nhanh chóng, kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra”, ông Hiệp cho biết thêm.

Trước những việc làm tự nguyện, có ý nghĩa lớn với cộng đồng, sau nhiều năm hoạt động, Đội PCCC và tìm kiếm CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các cấp chính quyền tại tỉnh Lâm Đồng biểu dương, trao tặng nhiều bằng khen đối với tập thể và cá nhân.

Ông Hiệp giới thiệu cho chúng tôi về các phương tiện PCCC, CHCN trong khu huấn luyện của đội. Ảnh: Vũ Linh

Xuất hiện ở những nơi nguy hiểm nhất

Từ khi hoạt động đến nay, các thành viên của đội đã trở thành "cứu tinh" của nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở Lạc Dương và TP Đà Lạt. Bên cạnh đó, không biết bao nhiêu lần, đội đã cùng lực lượng chính quy tham gia vào công tác tìm kiếm CHCN không chỉ riêng trên địa bàn huyện Lạc Dương mà cả một số địa bàn khác trong tỉnh. Không ít lần trong số đó, đội đã trực tiếp giải cứu thành công các nạn nhân thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần trong gang tấc.

Khi được hỏi về một trong những lần tham gia CHCN mà mình nhớ nhất, ông Hiệp bồi hồi nhớ lại: “Đó là vào một ngày cuối tháng 11/2021, khi chúng tôi mới đi tham gia hỗ trợ đồng bào miền Trung về thì nhận được tin báo một nhóm du khách bị lũ cuốn khi đi qua một chiếc cầu treo tại xã Đạ Chais (một xã giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa). Khi đó, anh em liền thông báo trên nhóm, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng đưa các phương tiện, mà chủ yếu là thuyền phao có động cơ vào hiện trường tiến hành giải cứu cho các nạn nhân. Lúc này, tại hiện trường ghi nhận có 2 nạn nhân bị lũ cuốn trôi, nhưng may mắn đã bám vào được cành cây ở giữa dòng. Lúc này, dòng nước từ đầu nguồn đổ về rất lớn, tình huống vô cùng khẩn cấp. Rất nhanh chóng, chúng tôi tổ chức triển khai đưa thuyền ra giải cứu. Do dòng nước lũ tràn về quá lớn, nên mỗi lần anh em cho thuyền ra thì đều bị dòng nước đẩy xuống hạ nguồn, không thể nào tiếp cận được các nạn nhân”.

Khẽ nhấp một ngụm trà cho thấm giọng, ông kể tiếp: “Nhận thấy phương án không khả thi, chúng tôi liền nhanh chóng thay đổi phương pháp tác chiến bằng cách cho thuyền di chuyển lên đầu nguồn và thả trôi thuyền dần xuống để tiếp cận các nạn nhân. Sau một hồi vật lộn với dòng nước lũ, chúng tôi đã giải cứu thành công 2 nạn nhân kể trên vào bờ an toàn. Tuy nhiên, 2 nạn nhân khác trong đoàn khách du lịch tử vong trước đó do mắc kẹt trên cầu treo lúc dòng lũ bất ngờ tràn về cuốn trôi cây cầu. Đó là một điều đáng tiếc”.

Đây là một trong số rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà ông cùng đội cứu hộ trực tiếp tham gia giải cứu. Hay giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, đội đã rất năng nổ tham gia vào tuyến đầu trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, như phát quang, phun khử khuẩn tại các điểm công cộng, hỗ trợ phương tiện đưa đón các trường hợp nghi nhiễm đến các địa điểm cách ly tập trung.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, Đội PCCC và CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương hoạt động theo mô hình 442, nghĩa là "4 tự" "4 tại" "2 không". "4 tự" là tự nguyện tham gia; tự xây dựng; tự đầu tư tiền túi và tự quản lý. "4 tại" là chỉ huy tại chỗ; con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; học tập tại chỗ. "2 không" là không sợ nguy hiểm, không được lấy thù lao hay đòi quyền lợi.

“Nếu được, chúng tôi mong muốn trong tương lai, Nhà nước sẽ có chế độ để hỗ trợ phần nào cho anh em trong đội. Ví dụ, hỗ trợ bảo hiểm, bởi việc làm của đội mang tính chất nhạy cảm, nguy hiểm. Nếu được hỗ trợ bảo hiểm, anh em có thể yên tâm hơn tham gia công hiến, góp phần đem lại sự bình yên và những điều tốt đẹp hơn cho nhân dân”, người cựu chiến binh già bộc bạch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm