Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp "khát" lao động, cử nhân vẫn thất nghiệp

Thứ sáu, 24/06/2016 - 09:47

(Thanh tra) - Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cả nước “tồn” gần 200 nghìn lao động có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang "khát" lao động.

SV có thể tìm kiếm việc làm tại các hội chợ việc làm. Ảnh: HH

Ròng rã tìm việc

Tốt nghiệp đã 7 - 8 năm nhưng vẫn không tìm được việc làm là tình cảnh của không ít cử nhân hiện nay.

Trịnh Thị Thu Hằng (sinh năm 1986, quê Hà Giang) tốt nghiệp 8 năm nay nhưng vẫn ròng rã đi tìm việc. Hằng cho  biết: Tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính Quản trị Kinh doanh Hưng Yên 6 năm vẫn không thể tìm được việc làm ưng ý nên quyết định học lên đại học để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ, ngành Tài chính - Ngân hàng đã 2 năm nay Hằng vẫn chưa tìm được việc làm. “8 năm ròng rã tìm việc mình chỉ mong muốn tìm được công việc ổn định có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng để nuôi sống bản thân không phải xin tiền bố mẹ. Được làm đúng chuyên ngành thì tốt, không cũng không sao” - Hằng chia sẻ.

Chấp nhận làm công nhân
Giải bài toán cho gần 200 nghìn lao động có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm, ông Thu cho biết, trước mắt các bạn SV đại học ra trường phải xác định có thể quay lại đi học trung cấp nghề hay cao đẳng nghề, hoặc chấp nhận ở vị trí thấp hơn là anh công nhân. Bên cạnh đó trang bị thêm kỹ năng mềm (ngoại ngữ, văn hóa bản địa) để xin việc ở nước ngoài. Về lâu dài thì phải cơ cấu lại hệ thống các trường cũng như ngành đào tạo để đáp ứng cung-cầu của thị trường lao động.

Cầm tấm bằng đỏ trong tay, 1 tháng nay, Nguyễn Văn Truyền (sinh năm 1994, Hoài Đức, Hà Nội) - cử nhân Đại học Luật Hà Nội đang phải chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm. Truyền chia sẻ: Em học chuyên ngành Luật chung, ra trường mong muốn được làm đúng ngành được học với mức lương 5 - 6 triệu/tháng, nhưng cầm bằng đi gõ cửa nhiều nơi đến nay vẫn chưa có nơi nào gọi. Lớp em hơn 50 bạn thì có 2/3 bạn ra trường bằng Giỏi, còn lại là bằng Khá, nhưng đến giờ con số tìm được việc làm chỉ tính trên đầu ngón tay.

Cơ hội lớn

Tại sao những người ra trường lâu năm như Hằng, hay cầm tấm bằng đỏ trong tay như Truyền lại không tìm được việc làm như mong muốn? Lý giải điều này, ông Chu Trọng Thu, Trưởng phòng Đào tạo nhân sự Hệ thống Công ty Amaccao - người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự cho biết: 2 yêu cầu quan trọng nhất của nhà tuyển dụng là chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm thì sinh viên (SV) mới ra trường đều thiếu và yếu. SV đáp ứng về mặt lý thuyết được 70% yêu cầu của doanh nghiệp và chỉ 30% về mặt thực hành.

“Hiện nhu cầu lao động của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng thiếu thì vẫn thiếu. Hệ thống Công ty Amaccao hàng năm có nhu cầu tuyển mới 80 - 100 SV mới ra trường, nhưng chỉ tuyển được một nửa số đó. Năm nay nhu cầu của công ty lớn hơn, từ giờ đến cuối năm sẽ tuyển mới 400 - 500 lao động làm việc cho 3 nhà máy mới thành lập ở Hà Nam, Thái Nguyên và Đông Anh (Hà Nội) với mức lương khởi điểm từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn nhiều vị trí hấp dẫn khác như nhân sự, thủ kho… mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng, có những vị trí cao hơn 7 - 8 triệu đồng/tháng” - ông Thu cho biết.

Tại Ngày hội Việc làm do Báo Lao động Thủ đô tổ chức mới đây, có tới 500 đầu việc hấp dẫn đến từ 40 doanh nghiệp đang chào đón SV ở các lĩnh vực: Kinh doanh phần mềm kế toán, website; công nghệ thông tin; kinh doanh ô tô; dọn vệ sinh công nghiệp; nhà hàng, khách sạn; tiếp thị điện thoại, đồ uống, mỹ phẩm... dành cho các ứng viên. Ngoài ra, cũng có nhiều cơ hội việc làm dành cho các bạn SV như: Kế toán; kinh doanh; kỹ sư điện; lái xe; phần mềm công nghệ thông tin... Vậy nhưng, để tìm được một vị trí trong số này vẫn là niềm mơ ước của nhiều cử nhân.

SV thờ ơ ngày hội việc làm

Theo “bật mí” của các doanh nghiệp, để có được việc làm trong thời gian sớm nhất, SV ra trường có thể tìm kiếm cơ hội tại các hội chợ việc làm. Tuy nhiên, thực tế SV lại khá thờ ơ. “Công ty Amaccao có tham gia rất nhiều hội chợ việc làm tại các trường đại học vào ngày ra trường của các bạn SV, nhưng chính các bạn lại khá bàng quan với cơ hội của mình. Thật đáng tiếc” - ông Thu thở dài.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm