Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đắk Nông: Bon làng khởi sắc nhờ sự “chung sức, đồng lòng”

Dương Phong

Thứ tư, 28/08/2024 - 14:09

(Thanh tra) - Sau hơn 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, nhiều bon làng của tỉnh Đắk Nông đã từng ngày “thay da, đổi thịt”. Đường xá được mở rộng, các công trình công cộng được đầu tư, người dân được tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu…

Tuyến đường nối liền bon Đắk Huýt và bon Pu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được mở rộng, khang trang. Ảnh: Dương Phong

Những con đường “chung sức đồng lòng”

Có mặt tại thôn Đắk Hợp, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vào những ngày cuối tháng 8, phóng viên không khỏi ngạc nhiên trước tuyến đường liên thôn khang trang, sạch đẹp, con đường mà chỉ mới cách đây vài năm toàn sình lầy vào những ngày mưa và bụi mịt mù vào những ngày nắng.

Theo tìm hiểu, con đường bê tông liên thôn này đã được xã Nam Xuân đầu tư xây dựng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023, phục vụ cho người dân thôn Đắk Hợp. Đặc biệt, để có được công trình này, người dân địa phương đã tự nguyện đóng góp 15% kinh phí và cùng nhau góp ngày công để có tuyến đường khang trang, rộng rãi như ngày hôm nay.

Ông Ma Văn Cắm, ngụ thôn Đắk Hợp cho biết, thôn có khoảng hơn 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số, dù đời sống kinh tế vẫn còn thiếu thốn, khó khăn nhưng người dân tại thôn đều đồng lòng, góp sức để thi công tuyến đường.

“Tùy thuộc vào diện tích đất sản xuất mà chúng tôi quy định số tiền đóng góp cho từng hộ. Quá trình thi công, mọi người dân vừa giúp công, giúp sức, vừa trực tiếp giám sát để bảo đảm chất lượng tuyến đường. Có đường mới, đi lại, sản xuất của bà con rất thuận lợi, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước”, ông Cắm chia sẻ thêm.

Tương tự, với mong mỏi của người dân trong nhiều năm qua, tuyến đường dài 3km dẫn từ quốc lộ 14C vào đập Đắk Ké 2 (tại bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cũng đã được hoàn thành.

Theo anh Điểu Thuần, 1 người dân địa phương, đây là tuyến đường hàng ngày gia đình đi làm nương rẫy, nay chính quyền địa phương đã nâng cấp, mở rộng, nhờ đó mà xe công nông, xe tải nhỏ đều đi lại được, giúp việc sản xuất của người dân thuận tiện hơn.

“So với con đường đất trước đây, con đường mới này giúp chúng tôi giảm bớt  được chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận khi vào mùa thu hoạch. Có đường đẹp, bà con Nhân dân phấn khởi, tập trung làm ăn để có cuộc sống ổn định hơn trong thời gian tới”, anh Thuần chia sẻ.

Chung tay xóa nghèo, dựng xây quê hương!

Những năm trước, nhiều hộ dân bon Choih, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô thiếu đất sản xuất, cùng với lối canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên cho biết, trước tình hình thực tế tại địa phương, chính quyền xã xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó địa phương đã tập trung các nguồn lực để chăm lo cho người nghèo.

Đặc biệt, từ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó trọng điểm là trong công tác xóa đói giảm nghèo, ghi nhận đến nay tỷ lệ hộ nghèo của bon đã giảm theo từng năm, chất lượng đời sống của Nhân dân đã được nâng cao, tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được xóa bỏ, đẩy lùi.

Đến hết năm 2023, toàn xã Đức Xuyên chỉ còn 43 hộ nghèo, trong đó có 25 hộ gặp khó khăn về nhà ở và là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Krông Nô. Điều đáng mừng là thu nhập bình quân đầu người của xã Đức Xuyên ước đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân chung của toàn tỉnh.

Sau khi hỗ trợ nhà ở, đất ở, tạo sinh kế, chính quyền địa phương tiếp tục chú trọng việc nâng cao nhận thức, ý thức thoát nghèo cho người dân. Trong quá trình thực hiện, cán bộ xã thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân.

“Công tác giảm nghèo hiệu quả, các chính sách thực sự đi vào đời sống, giúp đồng bào các dân tộc xã Đức Xuyên tiếp cận đầy đủ chế độ an sinh, nhờ đó mà cuộc sống của người dân được nâng cao. Cũng nhờ thoát được nghèo mà Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ càng tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Bảo vui mừng chia sẻ.

Sau hơn 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, nhiều bon làng của tỉnh Đắk Nông nay đã “thay da, đổi thịt” từng ngày. Không còn cảnh thiếu ăn, đói mặc, hiện nay trẻ em ở các bon làng đều được đi học, người lớn được tạo việc làm, chế độ an sinh, xã hội được bảo đảm.

Trưởng thành từ mảnh đất khó, đã có rất nhiều người con là người đồng bào dân tộc thiểu số trở về góp sức để xây dựng quê hương. Đây cũng là những tuyên truyền viên tích cực, là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới gần hơn với Nhân dân, qua đó củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm