Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chuyển đổi số bước đầu len lỏi vào từng bản làng, thôn xóm

Bùi Bình

Thứ sáu, 09/06/2023 - 16:37

(Thanh tra) - Sáng nay (9/6), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái diễn ra Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Hội thảo do UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Báo Tiền phong, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

Hội thảo Thúc đẩy CĐS khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Ảnh :Bùi Bình

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó, không chỉ với Yên Bái mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ về cách làm của Yên Bái để đẩy nhanh tiến trình CĐS với những kết quả đạt được cũng như những thách thức đã và đang đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh, Yên Bái luôn xác định CĐS chỉ có thể thành công nếu lấy người dân, cộng đồng doanh nghiệp làm trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Đặc biệt, sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho rằng CĐS là xu thế tất yếu. Ảnh: Bùi Bình

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc tổ chức Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực trung du và miền núi phía Bắc có ý nghĩa rất thiết thực, để các tỉnh trong vùng có cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong CĐS của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn qua hội thảo, nhiều ý kiến quý báu sẽ là những gợi mở quan trọng để Yên Bái và các tỉnh trong vùng tham khảo, học tập, áp dụng vào thực tiễn địa phương để từ đó điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình CĐS.

Tổng Biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bùi Bình

CĐS đã bước đầu len lỏi và từng bản làng, thôn xóm

Tổng Biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có địa bàn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 11 trong đó xác định, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh CĐS. Triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, CĐS ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được những kết quả ban đầu ấn tượng.

Nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ CĐS trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. CĐS đã bước đầu len lỏi và từng bản làng, thôn xóm, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng, khu vực nông thôn và thành thị.

Nhiều tỉnh trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng CĐS cấp tỉnh DTI năm 2021. Từ thực tiễn cho thấy, CĐS đang thực sự trở thành một lực đẩy quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của vùng.

Với mong muốn tiếp tục góp phần cung cấp thông tin, nâng cao hơn nữa nhận thức cũng như cung cấp thêm những kinh nghiệm, giải pháp CĐS ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn, Báo Tiền phong phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và VNPT tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của CĐS, tạo ra diễn đàn để trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong CĐS của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động CĐS trong khu vực.

Tổng Biên tập Báo Tiền phong mong muốn các đại biểu sẽ có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp để hội thảo đạt được thành công và hiệu quả.

Ông Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái  trình bày tham luận. Ảnh: Bùi Bình

Trao đổi, chia sẻ mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong CĐS

Trình bày tham luận, ông Nguyễn Tiến Phú, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, năm 2020 - 2021, giá trị trung bình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc cao hơn trung bình DTI cả nước, năm 2020 cao hơn giá trị trung bình cả nước là 0,016 và năm 2021 là 0,0069.

Giá trị 3 trụ cột năm 2021 khu vực trung du và miền núi phía Bắc đều tăng so với năm 2020: Chính quyền số tăng 0,0586; kinh tế số tăng 0,1574 và xã hội số tăng 0,1107, trong đó kinh tế số tăng cao nhất.

Phó Cục trưởng đưa ra một số khuyến nghị: Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch trong khu vực CĐS du lịch không còn chỉ là thắng cảnh, danh lam, mà quan trọng hơn là trải nghiệm của khách du lịch. Đưa sản phẩm nông nghiệp - lâm nghiệp lên sàn thương mại điện tử và số hoá chuỗi cung ứng xuất khẩu. Phát triển đặc thù riêng theo thế mạnh của tỉnh trong khu vực: Nông nghiệp - lâm nghiệp thông minh; phòng chống, cảnh báo thiên tai, lũ lụt; cửa khẩu số…

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong triển khai các mô hình thí điểm CĐS của Yên Bái cùng nêu bật những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện CĐS thời gian qua, tham luận tại hội thảo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã đưa ra thông điệp của tỉnh trong cách làm CĐS là cần đặt tầm nhìn trên kinh nghiệm. Để từng bước hình thành mô hình CĐS đặc trưng Yên Bái "CĐS để người dân hạnh phúc hơn”, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, đổi mới và quyết tâm, quyết liệt CĐS mạnh mẽ để về đích các mục tiêu CĐS đề ra.

Cũng trong phần tham luận, các nhà cung cấp giải pháp đã chia sẻ nhiều giải pháp CĐS hiệu quả thời gian qua như giải pháp đưa đặc sản, di sản thúc đẩy phát triển kinh tế số, giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh hay giải pháp quản trị hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tham gia phần thảo luận, những người làm công tác chỉ đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các địa phương trong vùng và đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã chia sẻ khuyến nghị việc thúc đẩy CĐS khu vực trung du và miền núi phía Bắc; kinh nghiệm tốt trong triển khai các mô hình thí điểm CĐS của tỉnh Yên Bái cũng như câu chuyện thúc đẩy phát triển du lịch địa phương nhờ chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai hay kinh nghiệm thực tiễn triển khai chuyển đổi số của tỉnh Phú Thọ, việc hướng tới nông nghiệp thông minh nhờ giải pháp CĐS, các giải pháp phần mềm hàng đầu trên các lĩnh vực sát thực với yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng... và có những đề xuất nội dung hợp tác với toàn vùng và với tỉnh Yên Bái nói riêng.

Hội thảo cũng tập trung trao đổi, giải đáp những thắc mắc, vấn đề còn trăn trở trong quá trình CĐS của địa phương, doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm