Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ nhà vườn ở Bình Dương xây kè lấn chiếm sông dần lộ diện nhiều sai phạm

Minh Anh

Thứ hai, 08/06/2020 - 21:18

(Thanh tra)- Theo một nguồn tin của phóng viên, các cơ quan chức năng thị xã (TX) Bến Cát, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có kế hoạch kiểm tra loạt công trình lấn sông mà báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Trên đất bà H, hàng ngàn mét vuông hành lang an toàn sông Sài Gòn đã bị lấn chiếm với hàng trăm mét kè bê tông kiên cố, dựng hàng rào B40. Ảnh (chụp đầu tháng 6/2020): MA

Chính quyền lên kế hoạch kiểm tra

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Ân - Chủ tịch UBND TX Bến Cát cho biết, đơn vị đã có kế hoạch kiểm tra một số công trình ở ven sông Sài Gòn, sông Thị Tính mà thời gian qua báo chí phản ánh xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang sông. "Nếu công trình nào vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Ân cho biết.

Theo nhiều cơ quan báo chí phản ánh, tại xã Phú An và xã An Tây xuất hiện một số công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sông, đê bao sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Những công trình này có hạng mục xây dựng kiên cố, bề thế.

Bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Phú An thừa nhận có tình trạng công trình lấn sông Sài Gòn và sông Thị Tính trên địa bàn.

Ghi nhận dọc hai con sông Thị Tính và sông Sài Gòn, nhiều công trình xây dựng lấn sông như: Phim trường Limli ở ấp Phú Thứ, xã Phú An và nhà hàng Rạch Mít ở xã An Tây, đều thuộc TX Bến Cát (Bình Dương)...

Nhà hàng Rạch Mít được chủ đầu tư xây dựng công trình rất kiên cố chiếm phần diện tích lớn ra sông. Người dân địa phương cho biết, nhà hàng này bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Theo tìm hiểu, một số công trình trong nhà hàng xây dựng không xin phép bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý. Vậy nhưng, công trình sai phạm sau đó vẫn tồn tại và gần đây chủ đầu tư mới tự tháo dỡ toàn bộ.

Cũng theo phản ánh của người dân các xã, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng diễn ra phổ biến trên địa bàn TX Bến Cát, đặc biệt là trên sông Thị Tính đoạn gần sông Sài Gòn. Khu vực này còn xuất hiện tổ hợp công trình trên diện tích đất rộng khoảng 9.000m2. Trong đó có khoảng 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông và 441m2 đất đê bao. Theo quy hoạch thì đây lại là đất trồng cây lâu năm, không được phép xây dựng.

Dấu hiệu cấp sổ đỏ sai quy định

Người được cho là chủ sở hữu khu đất này là bà P. M. H (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) đã tự ý cho đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông. Người dân ở đây cho biết, bà P. M. H là vợ cán bộ tỉnh Bình Dương nên mới lấn sông, xây dựng được công trình "khủng" như thế!

Theo hồ sơ, với khu đất trên, ngày 10/8/2016, bà P. M. H nhận chuyển nhượng 9.000m2 đất thuộc tờ bản đồ số 29, số thửa mới 638 (được tách từ thửa 629). Bà H nguyên là cán bộ Tỉnh đoàn Bình Dương, nguyên Giám đốc Nhà Thiếu nhi, sau đó nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/3/2017, là vợ của một lãnh đạo tỉnh từng có nhiều năm phụ trách lĩnh vực đất đai.

Trước khi chuyển nhượng, theo sổ đỏ cũ, khu đất có 441m2 thuộc hành lang an toàn đê bao, 2.250m2 thuộc hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, diện tích còn lại 6.309m2.

Hai bên mua bán với giá rẻ bất thường; 0,9ha đất nhưng giao dịch chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó, theo giá thị trường, ước tính khu đất thời điểm đó phải có giá nhiều tỷ. Hai bên thống nhất bà H đóng các loại thuế, phí, lệ phí!

Vụ chuyển nhượng đất có dấu hiệu trốn thuế khi 9.000m2 mà chỉ được mua bán với giá 100 triệu đồng

Hơn một tháng sau, ngày 19/9/2016, bà H được cấp Sổ đỏ số CĐ689694, số vào sổ cấp giấy chứng nhận: CS05664, toàn bộ diện tích 9.000m2 được ghi mục đích sử dụng: Trồng cây lâu năm; thời hạn sử dụng: Đến tháng 12/2040.

Điều khác thường trong sổ đỏ này ở chỗ có ghi chú: “Thửa đất có 2.250m2 đất CLN (cây lâu năm) thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình sông Sài Gòn; 441m2 đất CLN thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”.

Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về “sổ đỏ” do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ban hành, quy định về thể hiện nội dung tại điểm ghi chú trên sổ đỏ như sau: Trường hợp thửa đất hoặc một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đã được công bố, cắm mốc thì ghi "Thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình... (ghi tên của công trình có hành lang bảo vệ)"; hoặc ghi "Thửa đất có... m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình..." đối với trường hợp một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình”.

Như vậy, đã là đất "hành lang bảo vệ an toàn công trình sông, hành lang bảo vệ an toàn công trình đường đê bao”, mà lại còn ghi thêm đất này là trồng cây lâu năm, chức năng “2 trong 1”; là dấu hiệu sai quy định.

Sổ đỏ năm 2016 cấp cho bà H có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chuyển mục đích sai quy định, xây trái phép nhà ở và kè lấn sông

Một băn khoăn khác trong sự việc này cần phải làm rõ. Khu đất trên là của ông Võ Thanh Phương, hay của bà H?

Vợ con vi phạm, cán bộ không được đưa vào cấp ủy khóa mới

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ đạo: “Những cán bộ có vi phạm hoặc có vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị cũng không được đưa vào cấp ủy khóa mới”. 

Theo hồ sơ lưu trữ, khu đất trên được tách ra từ thửa đất có diện tích 10.690m2 thành hai thửa 9.000m2 và 1.690m2. Cùng thời điểm với bà H, ông Phương (SN 1978, HKTT Tiền Giang) mua 1.690m2 còn lại từ chủ cũ. Bà H và ông Phương ký chung một giấy ủy quyền cho một người khác đi làm thủ tục liên quan khu đất trên.

Trong Văn bản số 108/BC-UBND của UBND TX Bến Cát cũng đã nêu rõ chủ sử dụng 900m2 này là bà P. M. H. Vì vậy, có thể khẳng định ông Phương không phải là chủ khu đất 9.000m2, mà chỉ là người quen của bà H.

Một dấu hiệu sai phạm khác trong khu đất bà H đã được bộc lộ trong Văn bản số 108/BC-UBND: Văn bản này cho biết trên thửa đất có “căn nhà gỗ được xây dựng tại vị trí đất ONT (đất ở nông thôn)”. Tuy nhiên, khu vực này theo quy hoạch là đất trồng cây, vì vậy, cơ quan chức năng địa phương đã cho bà H chuyển mục đích đất là dấu hiệu sai kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Những chứng cứ phóng viên thu thập được cũng cho thấy cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã báo cáo chưa đúng sự thật về vi phạm tại khu đất. Hình ảnh từ trên cao cho thấy có một số công trình rộng hàng trăm m2 xây dựng kiên cố trên đất chứ không phải “chỉ có căn nhà gỗ”.

Báo cáo số 108/BC-UBND cho rằng trên khu đất bà H, “công trình xây dựng không vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn”. Tuy nhiên, hình ảnh từ trên cao và từ dưới mặt sông ghi nhận, tại khu đất này, chiếm toàn bộ hành lang an toàn sông Sài Gòn là hàng trăm mét bờ sông đã được kè bằng sắt thép bê tông kiên cố, dựng hàng rào thép gai B40, có cả cổng đi ra mặt sông dạng dành cho bến du thuyền…

Khu nhà vườn 0,9ha của bà H nhìn từ trên cao cho thấy có nhiều công trình xây dựng (Hình chụp đầu tháng 6/2020)

Một bức xúc khác mà một số người dân địa phương phản ánh với phóng viên, là dù có dấu hiệu chuyển mục đích sử dụng đất sai luật, xây công trình sai phép, lấn sông… nhưng khu đất của bà H tiếp tục được ưu ái, làm ngơ sai phạm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm