Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 09/10/2023 - 21:07
(Thanh tra) - Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: P.Thắng
Tại báo cáo, Chính phủ cho hay, công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định.
Về trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ 1.844,54 ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án và yêu cầu phải thực hiện trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen…
“Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025”, theo báo cáo của Chính phủ.
Như vậy, so với phương án trồng rừng thay thế được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, tiến độ đã được đẩy lên sớm 1 năm. Trước đó, phương án trình Quốc hội chia làm ba giai đoạn: giai đoạn 1 trồng 200ha; giai đoạn 2 trồng 134,22ha, giai đoạn 3 trồng 100ha, năm 2026 mới hoàn thành.
Đề cập đến công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Chính phủ thông tin, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo này.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường “sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án”.
Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.
Qua rà soát hồ sơ năng lực theo Nghị định số 08, tỉnh Bình Thuận thấy đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không đủ năng lực để tổ chức thực hiện 2 mô hình nêu trên.
Vì vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã làm việc với nhà thầu và đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng.
“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tiếp tục thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đảm bảo đúng tiến độ”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Chính phủ cũng cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng công trình.
Đề cập đến trách nhiệm, Chính phủ nêu rõ, UBND tỉnh Bình Thuận chịu “trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư, chất lượng dự án, chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế đúng quy định, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả”.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101 năm 2023.
Với quy mô hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb=51,21 triệu m3, dự án đặt mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha, tổng mức đầu tư là 874,089 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng; ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2019-2025.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã bố trí vốn cho dự án hơn 10 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 bố trí là 5 tỷ đồng; đã giải ngân từ đầu dự án đến tháng 9 hơn 5,4 tỷ đồng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang