Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Chìa khóa vàng" trong công tác giảm nghèo

Bùi Bình

Chủ nhật, 07/11/2021 - 21:24

(Thanh tra) - 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã từng bước thay đổi việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, trong đó, phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện, chuyển hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, chuyển từ cho không chuyển sang cho vay… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 7,8%/năm.

Người dân tộc Mông, thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Bùi Bình

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, hệ thống chính sách dân tộc (CSDT) hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực; từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay.

Giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện CSDT về giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng. Các địa phương đã đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xây dựng giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện chính sách.

Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Dự án 2 Chương trình 135, tổng vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn này hơn 767 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư xây dựng 524 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt... Duy tu, bảo dưỡng hơn 110 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Nước sạch đã đến với vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Bùi Bình

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người và chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085 và 2086 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm 2019, 2020, tổng kinh phí thực hiện hơn 53 tỷ đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt và xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Qua đó, bước đầu giúp người dân duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của người dân tộc Phù Lá (Xa Phó) xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.

Trong đầu tư các chương trình, dự án vùng cao, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, nơi có số đông đồng bào DTTS sinh sống luôn được tỉnh quan tâm, ưu tiên mức vốn đầu tư, gắn với việc lồng ghép các chương trình, dự án đã tăng tổng số vốn đầu tư và đa dạng hóa các công trình đầu tư, các chính sách hỗ trợ, góp phần làm cho hiệu quả các dự án, các công trình nâng cao, số công trình đầu tư, số người dân được hưởng lợi vì thế cũng được tăng lên.

Đến nay, kinh tế vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã phát triển khá, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải bình quân giảm 7,8%/năm trong giai đoạn vừa qua. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Toàn tỉnh hiện có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, trên 70% số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; 100% các xã có trạm xá và có điểm phục vụ bưu chính, gần 90% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Huyện Mù Cang Chải có 13/14 xã đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách giảm nghèo, sự đầu tư có trọng điểm của Nhà nước trong nhiều năm qua, nhất là hạ tầng giao thông, đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện giảm trên 8,6% trong giai đoạn 2016-2020. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn; 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hầu hết các chỉ tiêu giảm nghèo đều vượt so với mục tiêu kế hoạch của tỉnh giao và vượt so với mục tiêu của chương trình đề ra.

Huyện Yên Bình được đánh giá là "điểm sáng" trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là trong việc triển khai các chính sách, chương trình, dự án gắn với công tác giảm nghèo. Thông qua đó, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, triển khai chương trình hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn như: Vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Mô hình nuôi bò từ nguồn vốn vay hộ nghèo đã giúp gia đình ông Miền xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ thoát nghèo. Ảnh: Bùi Bình

Để đạt được kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, những năm qua, đi đôi với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo, hoạt động chỉ đạo, điều hành được tỉnh Yên Bái đổi mới toàn diện. Hàng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành chương trình hành động lãnh đạo thực nhiệm vụ chính trị của năm và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm với phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm". Theo đó, chỉ tiêu giảm nghèo được giao cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau".

Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về công tác giảm nghèo, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo. Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo là dấu ấn nổi bật nhất của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, Yên Bái đang duy trì phân công 51 sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo để đảm bảo đạt mục tiêu năm 2021 giảm thêm 2,05% hộ nghèo so với năm 2020. Thực tiễn cho thấy, đây là cách làm sáng tạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm