Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa dịch COVID-19

Thứ năm, 27/08/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong mùa dịch là vấn đề cấp bách.

Các cơ quan chức năng của Hà Nội kiểm tra ATTP trên địa bàn TP. Ảnh: Internet

Nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới, hiện nay, nhiều điểm kinh doanh đã thông báo đến khách hàng về khung giờ hoạt động cũng như áp dụng tiếp tục những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài các biện pháp phòng, chống đã được thực hiện ngay từ khi dịch mới bùng phát, một số đơn vị kinh doanh cũng đã triển khai thêm những phương án duy trì khoảng cách an toàn, nhắc nhở khách hàng có ý thức hạn chế tiếp xúc quá gần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chị Trần Thị Nga, chủ một quán cơm ở quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, gia đình bố trí thời gian đi chợ hợp lý để chuẩn bị thực phẩm, đồng thời các ngăn thực phẩm để nhiệt độ phù hợp, đảm bảo ATTP. Ngoài ra, trong quá trình chế biến thức ăn, gia đình chị cũng đã thực hiện việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, kê lại bàn ghế, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa những người có mặt trong quán.

Không riêng các cơ sở kinh doanh, từ ngày dịch bệnh COVID-19 quay trở lại, nhằm hạn chế đi lại để phòng, chống dịch, nhiều bà nội trợ thay vì đi chợ hằng ngày để mua đồ tươi sống cho ngon, nay đã lựa chọn giải pháp mua thực phẩm tích trữ dùng cho nhiều ngày.

Chị Nguyễn Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, để phòng, tránh lây nhiễm, mỗi tuần chị đi chợ mua thực phẩm một lần. Thực phẩm được phân loại để túi bọc thực phẩm trong tủ lạnh ăn dần.

Theo GS. TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc nhiều bà nội trợ khi đi chợ về để nguyên cả túi nilon cho vào tủ lạnh là sai lầm, điều này dễ làm lây nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, thói quen mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ về sức khoẻ mà nhiều người không biết. Vì thế, các bà nội trợ cần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, không nên coi tủ lạnh như vật toàn năng có thể ngăn chặn mọi virus, vi khuẩn…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng khẳng định, tủ lạnh không phải tủ đá, chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Khi cho nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, luồng khí lạnh của tủ sẽ bị giảm khả năng lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm. Người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Đối với thực phẩm chín, chỉ nên bảo quản tới ngày hôm sau vì nếu để lâu thì thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố.

Đặc biệt trong chế biến thực phẩm không nên dùng thớt chung cho thức ăn sạch và đồ sống, hay việc ăn các loại động vật hoang dã không rõ nguồn gốc là yếu tố dễ lây nhiễm các loại bệnh lạ từ động vật... Khi mua thực phẩm về cần bỏ túi nilon ở chợ và thay đồ đựng riêng ở nhà, trước khi cho vào tủ lạnh.

Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với phòng, chống dịch COVID-19, tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội ban hành Công văn số 2111/SYT-ATTP về hướng dẫn đảm bảo ATTP trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Cụ thể, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống) phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định mới được phép hoạt động.

Đối với kinh doanh thức ăn đường phố, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP theo quy định tại Điều 31,32 Luật ATTP.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh thức ăn đường phố cần chú ý thực hiện để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tối thiểu 1m.

Thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng. Bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống. Không phục vụ cùng lúc quá 20 người để bảo đảm khoảng cách an toàn.

Đồng thời Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP theo các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện những vi phạm.

Về phía Bộ Y tế, để bảo đảm ATTP trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch COVID -19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục ATTP đã có công văn số 964/ATTP-NĐTT gửi Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề nghị chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung: Yêu cầu bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các trường học phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định mới được hoạt động.

Ngoài ra, Cục ATTP đã đưa ra khuyến cáo đến các cơ sở kinh doanh, người bán hàng, người mua hàng tại siêu thị đều phải tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP, phòng, chống dịch COVID-19. Tương tự, tại bếp ăn tập thể, nhà hàng, gia đình, người chế biến phải đeo khẩu trang, găng tay, các khâu, các bước đều phải thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm ATTP, phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng sự vào cuộc, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân cẩn phải thay đổi triệt để thói quen như: Dùng đũa để gắp thức ăn chung, mỗi người cũng nên có một bát nước chấm riêng, dùng chậu rửa mặt riêng.

Người tiêu dùng cần thực hiện một số biện pháp về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm ATTP nhằm góp phần phòng, chống dịch. Cụ thể, cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh, vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

Đối với việc chế biến thực phẩm tại nhà, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, người tiêu dùng cần sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm