Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

An cư giữa mùa Xuân mới

Thứ năm, 04/02/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Nói về việc di dời dân ra khỏi Kinh thành Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây là cuộc “di dân lịch sử”, mặc dù gặp khó khăn về nguồn lực, ràng buộc về cơ chế, nhưng “khó đến đâu cũng phải quyết tâm làm bằng được”. Nhờ vậy, ngay giữa những ngày đầu Xuân này, nhiều hộ sinh sống trong kinh thành năm xưa, nay đã về ở trong những căn nhà mới xây đầy ắp tiếng cười…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ về tìm hiểu, động viên người dân bị giải toả. Ảnh: Ngọc Phó

Kinh thành Huế - một phần của Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới gần 30 năm trước, hơn nửa thế kỷ nay bị lấn chiếm và hình thành một quần cư tạm bợ, tối tăm.

Để di tích được “cởi trói” về với nguyên trạng, khép lại câu chuyện buồn bấy lâu nay trên Kinh thành Huế, đầu tháng 12/2018, tại Kỳ họp thứ 7, khóa VII, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua đề án di dời dân cư khu vực 1 - di tích Kinh thành Huế.

Đến ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 - hệ thống di tích Kinh thành Huế. Đây là chính sách rất đặc biệt, mở nút thắt khó khăn nguồn kinh phí làm tắc nghẽn hàng thập kỷ về câu chuyện “di sản - phận người”; đưa những người dân từng sống bấu víu trên kinh thành cổ xưa về nơi ở mới khang trang, đẹp đẽ hơn. Di tích Kinh thành Huế dần được trả lại mặt bằng nguyên sơ…

Đề án di dời dân cư có tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, trong đó đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 (từ năm 2019 - 2021), hoàn thành di dời 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ... Giai đoạn 2 (2022 - 2025), hoàn thành di dời dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ. Đợt 1 của giai đoạn 1 đề án đang được triển khai tại 4 phường nội thành với tổng số trên 500 hộ dân, trong đó có 25 hộ nghèo đặc biệt.

Mục tiêu của dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của nước ta do tiền nhân để lại; di dời các hộ dân đang sinh sống trong di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo môi trường, cảnh quan; đồng thời phát huy giá trị di tích, làm phong phú sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để có chỗ an cư cho các hộ dân bị di dời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi gần 78ha đất ở phường Hương Sơ, TP Huế, xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch bố trí 3.526 lô đất tái định cư, diện tích mỗi lô đất từ 60-200m2.

Đến nay, tại khu vực Thượng Thành, hơn 220 hộ dân đã bàn giao mặt bằng phục vụ rà phá vật liệu nổ, san gạt mặt bằng, trùng tu di tích và đã phát lộ thêm nhiều di tích quan trọng khác, trong đó có 2 chiếc cổng rất cổ và đẹp.

UBND TP Huế đã cấp gần 350 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng cho người dân. Tỉnh cũng đã chọn mẫu thiết kế và khởi công 25 nhà ở theo mẫu cho các hộ nghèo; với hình thức “chìa khóa trao tay”, mỗi hộ trong diện này sẽ được nhận ngôi nhà diện tích 61m2, có 1 gác lửng vững chắc; kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng/nhà.

Giữa tháng 5/2020, công trình Trường Mầm non Hương Sơ đã được khởi công xây dựng; phục vụ cho việc đón trẻ đến lớp của khu vực.

Đầu năm 2020, hạ tầng kỹ thuật 2 khu dân cư mới ở đường Nguyễn Văn Linh và đường Tản Đà, phía Bắc phường Hương Sơ được hoàn tất, bàn giao đất cho các hộ giải toả.

Sau Tết Canh Tý, người dân bắt tay vào việc xây dựng nhà cửa nơi mới và thu xếp ở. Gần 360 hộ dân thuộc các phường Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành và Thuận Hòa di dân đủ điều kiện để nhận đất, xin giấy phép xây nhà với diện tích 100mđất trở lên.

Hàng trăm hộ dân ở khu vực Eo Bầu của Kinh thành Huế thuộc các phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc cũng bốc thăm nhận đất để di dân đợt thứ 2. Nhiều hộ đã tự nguyện huy động nhân công dỡ nhà, di dời tài sản để bàn giao mặt bằng sớm cho chính quyền quản lý.

Vào tháng 8/2020, khu tái định cư phường Hương Sơ mang dáng dấp đô thị mới cũng đã hoàn thành và đón 25 hộ gia đình thuộc diện nghèo di dời khỏi Kinh thành Huế về ở, ổn định cuộc sống, tránh mùa mưa bão vừa qua. Mỗi căn nhà ở này có kinh phí xây dựng 200 triệu đồng được trích từ tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ nghèo và các nguồn đóng góp của các nhà tài trợ. Sau khi bàn giao 25 căn nhà xây dựng theo mẫu, chính quyền TP Huế sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm những căn nhà còn lại để bàn giao tiếp cho người dân di dời khỏi khu vực 1 - Kinh thành Huế, để người dân kịp đón mùa Xuân mới tại nơi ở mới.

Hộ bà Trần Thị Gái (67 tuổi, trú tổ 17, phường Thuận Lộc, TP Huế) là hộ quá khó khăn. Cả gia đình ở trong ngôi nhà chừng 15m2 mái lợp tạm bợ. Thứ "giàu có nhất" đối với gia đình bà là ánh sáng mặt trời và mặt trăng. Cứ nghĩ, sau di dời khỏi kinh thành, chưa biết đi về đâu, trong khi chồng chết, bản thân bị bệnh tim nặng gần 10 năm nay nhưng không có tiền để mổ, vợ chồng người con trai lam lũ bán vé số nuôi cả nhà 6 người, với 3 đứa con nhỏ nheo nhóc. “Nếu Nhà nước và các nhà hảo tâm không đồng hành giúp đỡ, thì gia đình tôi chỉ biết ở gầm cầu. Có được cái nhà ở ổn định là ước mong cả đời người chúng tôi...” - bà Gái bộc bạch.

Ông Lê Văn Giây (86 tuổi) thoả ước vui mừng, hơn 30 năm qua, gia đình sống trong căn nhà tạm bợ ở Di tích Kinh thành Huế; ước mơ về một ngôi nhà kiên cố để tránh mưa bão không biết đợi đến bao giờ. Khi Nhà nước có chủ trương di dời các hộ dân khỏi khu vực 1 - Kinh thành Huế, ông đồng tình ủng hộ và đã được các cấp hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở tại nơi ở mới, để có cuộc sống tốt đẹp, đàng hoàng hơn...

Xuân này, hàng chục hộ nghèo đặc biệt khác sẽ được đón Tết Tân Sửu trong ngôi nhà mới đầm ấm, đậm tính nhân văn cao cả. Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức còn huy động từ các nguồn lực để hỗ trợ thêm cho bà con trong thời gian chờ đợi về nhà mới cũng như sau khi bàn giao nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khá tâm huyết và dành nhiều nhiệt huyết cho việc di dân khỏi Kinh thành Huế. Ông cho rằng, trong thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng lúc nào cũng khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền cũng như sự đồng thuận cao của người dân. UBND tỉnh giao TP Huế rà soát lại thật kỹ, phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tiến độ di dời và phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân…

“Làm sao phải thấu đáo, hết trách nhiệm với dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng phải đúng pháp luật, nếu hộ dân nào không chấp hành theo pháp luật thì sẽ cưỡng chế để đảm bảo tiến độ của dự án. Di dời dân cư khu vực Thượng Thành đúng tiến độ, thực hiện tốt việc đi và đến của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong dân, xem đây là đợt di dân kiểu mẫu cho các đợt tiếp theo. Điều quan trọng là phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Mùa Xuân mới đang tràn về, không chỉ có nắng ấm, hoa tươi, mà với người dân di dời khỏi Thượng Thành Huế, còn có những ngôi nhà mới để an cư, lập nghiệp lâu dài…

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

08:00 23/11/2024
Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm