Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Âm thanh cuộc sống

Ngô Quốc Đông

Thứ tư, 07/06/2023 - 10:56

(Thanh tra) - Thực ra, không có loại âm thanh nào chung cho cuộc sống đa dạng cả. Nhưng, các khía cạnh phong phú của đời sống hiện thực tạo ra nhiều loại âm thanh. Và khi những âm thanh đó gắn với sinh hoạt thường nhật của con người một cách không xa lạ thì cũng có thể hiểu đó là những âm thanh của cuộc sống.

Ra đường dễ thấy thanh niên kẹp ba, đánh võng, rú ga, bóp còi inh ỏi, tạo một thứ âm thanh khuấy động dễ đổ vỡ. Ảnh minh họa: https://www.baogiaothong.vn/

Âm thanh là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa con người. Xa quê lâu nhớ tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng chim hót buổi sớm, ếch kêu khi mưa rào. Sống đất Hà Nội, rời xa mới thấy nhớ tiếng rao hàng. Thế hệ xưa luôn hoài niệm về tiếng leng keng của tầu điện, tiếng rao tẩm quất ở bến xe, ga tầu, hay ở khu nhà trọ lúc nhỡ xe đêm… Nhưng rồi, một Hà Nội hào hoa, thanh lịch thủa nào chỉ còn là kí ức.

Sức ép dân cư, công cuộc đô thị hóa, và sự quy tụ nhiều dòng người tới đây đã đẩy lùi các âm thanh xưa chìm đắm vĩnh viễn. Hà Thành thong rong giờ đây ồn ã và xô bồ, tiếng động cơ ô tô, xe máy suốt ngày đêm. Riêng tiếng còi xe thì cũng có thể xem là âm thanh cuộc sống chốn Hà Thành. Nó hối hả thúc giục, nó gấp gáp vồn vã, và nó còn là tiếng gầm rú, bức bối của lòng người trước cái ngột ngạt, chật chội tột cùng nơi đây.

Âm thanh cuộc sống rất đa dạng, phần quan trọng của âm thanh còn có cả giọng nói của con người, tức nó liên quan đến phần văn hóa trong họ.  Nhưng giọng nói ấy, ngôn ngữ ấy nay đã đổi khác. Người già vẫn có phần thận trọng, kín kẽ trong ăn nói, còn lớp trẻ thì ngôn ngữ phóng túng vô cùng. Ngồi xe khách, xe bus, đến nơi công cộng là rút điện thoại gọi oang oang cho mọi người nghe thấy, toàn ngôn ngữ  “lóng”, lệch chuẩn cả. Có khi, không ngại chửi thề, “văng mẹ”, “văng cha”…

Ra đường dễ thấy thanh niên kẹp ba, đánh võng, rú ga, bóp còi inh ỏi, tạo một thứ âm thanh khuấy động dễ đổ vỡ.

Bước vào chợ nghe thấy “tiếng chặt”, “tiếng chém” của tiểu thương, nhưng đồng thời với nó là tiếng mặc cả, kì kèo của các bà nội trong thời lạm phát.

Vào bệnh viện vẫn là những thứ âm thanh rất não nề, thất vọng. Có tiếng khóc của trẻ con, tiếng ho của người bệnh, tiếng la thất thanh vì có người cấp cứu, tiếng nấc vì người thân của ai đó sắp qua đời. Và tinh ý, còn thấy tiếng cằn nhằn, khó chịu của ý tá, hộ lý. Đến quầy thu ngân lại vẫn tiếng thở dài của nhiều bệnh nhân bởi các đợt tăng viện phí…

Âm thanh thường gắn với sắc mầu. Ở nhiều siêu thị thấy băng rôn khẩu hiệu sặc sỡ, đề giảm giá tới 70% vẫn ế, bên cạnh đó là các loa đài phóng thanh cỡ lớn đập inh ỏi để gây sự chú ý. Đây không chỉ đơn thuần là âm thanh nhạc rock mà còn là âm thanh hụt hơi của nền kinh tế trong thời kì suy thoái.

Qua siêu thị, đến một cuộc họp, lại thấy một thứ âm thanh quen thuộc chẳng lạ tai. Trong khán phòng hội nghị, các bài thuyết trình hoành tránh như, tìm giải pháp vĩ mô giải cứu doanh nghiệp đang hấp hối, đến việc “thổi hơi” cho bất động sản, thanh khoản ngân hàng, toàn các mỹ từ. Về đến nhà bật ti vi, lại vẫn thấy các bài diễn văn phát biểu, những quán triệt quyết liệt, sát sao… Nhiều quá! Toàn âm thanh chỉ đạo, âm thanh điều hành, nhưng hình như ẩn chứa cả những âm thanh chém gió, vung tay, âm thanh xáo mòn, chung chung, khó hiểu…

Cuộc sống vẫn trôi đi, con người vẫn hổi hả và bươn trải hằng ngày, trong hành trình đó, dù muốn dù không họ vẫn phải nghe những âm thanh của cuộc sống. Trong đó, có những âm thanh thân thuộc ý nghĩa, cũng có thứ âm thanh chỉ làm họ thêm phiền não, buốt đầu…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm