Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/12/2021 - 22:05
(Thanh tra) - Chiều nay - 10/12, trả lời chất vấn của các cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Vũ Thị Hương cho biết, đến nay đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm, 1.080 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, trên 24.500 lao động trở lại làm việc ở tỉnh ngoài, hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Người lao động tìm kiếm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm tại Thanh Hóa. Ảnh: VT
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn là giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), nhất là lao động mất việc làm trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 205.000 người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, với gần 161.000 người trong độ tuổi lao động. Trong số đó, có 42.566 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề với tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỷ đồng.
Căn cứ Phương án số 198/PA-UBND ngày 2/9/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho NLĐ trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, Sở LĐTBXH đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ NLĐ hồi hương tìm kiếm việc làm. Theo đó, thực hiện các Nghị quyết số 68, 116, 126 của Chính phủ và các Quyết định số 23, 28, 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành LĐTBXH đã tham mưu ban hành các kế hoạch, quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tham mưu đề xuất đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại cơ sở; tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại 20/27 huyện, thị xã, thành phố; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cơ sở để kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ.
Đến nay, đã có trên 13.200 lượt người sử dụng lao động, hộ kinh doanh và trên 527.000 lượt NLĐ được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí là gần 612 tỷ đồng. Sở cũng đã tổ chức 8 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối trên 1.500 lao động với các DN có nhu cần tuyển dụng…
Đến nay, đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm; 1.080 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; trên 24.500 lao động trở lại làm việc ở tỉnh ngoài; hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở LĐTBXH, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng nội dung trả lời chất vấn được chuẩn bị tương đối tốt, đúng trọng tâm câu hỏi HĐND tỉnh yêu cầu trả lời.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó nhiều NLĐ bị giãn việc, mất việc làm. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 330.000 lao động làm việc ngoại tỉnh. Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đời sống của hàng chục triệu lao động đã bị ảnh hưởng, dẫn đến một làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê.
Trước tình hình trên, ngay từ sớm Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có chỉ đạo và nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ trở về địa phương. HĐND tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, nhất là bố trí nguồn vốn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để NLĐ, người sử dụng lao động từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và tăng độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tiêm vắc xin cho NLĐ làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động trở về từ vùng dịch… để duy trì sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư về nông thôn, miền núi, thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ tại địa phương cũng như NLĐ trở về địa phương sau khi hoàn thành xong việc cách ly. Sở LĐTBXH tăng cường kết nối cung - cầu thông qua các sàn giao dịch việc làm; cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh để các địa phương và NLĐ tiếp cận, tập trung vào những DN lớn có nhu cầu tuyển dụng nhiều. UBND các huyện, thị, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con, giống để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN về địa phương tuyển chọn lao động đưa đi làm việc trong tỉnh, trong nước và sang các thị trường nước ngoài. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi sơn và Các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở LĐTBXH vận động DN, nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng NLĐ Thanh Hoá trở về từ vùng dịch. Hiệp hội DN tỉnh theo dõi, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các DN thành viên, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cung ứng lao động cho DN.
Đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Thanh Hóa trên thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ, hiện đại, đào tạo lao động phù hợp với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để có thể tìm kiếm được việc làm ổn định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, NLĐ cần phải trang bị cho mình các kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, tuân thủ kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm lao động. Từng bước nâng cao năng lực ứng dụng tin học, phấn đấu có biết ngoại ngữ để tự tạo việc làm cho mình trên cơ sở sự giúp đỡ của Nhà nước
Văn Thanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân