Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Giám đốc bặt vô âm tín, người làm thuê lĩnh án phá rừng

Thứ tư, 21/09/2016 - 08:48

(Thanh tra) - Nhận lời làm thuê dọn dẹp, thu gom cành, cây rừng gãy đổ trong mùa mưa cho một doanh nghiệp, ông Phạm Văn Vượng (SN 1975, trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cùng 4 người khác không ngờ rằng mình lại bị lĩnh án tù, còn ông Tổng Giám đốc của doanh nghiệp - người trực tiếp thuê ông Vượng - bỗng nhiên “mất tích” khiến vụ án còn nhiều điểm chưa sáng tỏ.

Phạm Văn Vượng (ngoài cùng bên phải) cùng 4 bị cáo khác tại tòa. Ảnh: QA

Ngày 20/9, sau 3 năm kể từ ngày điều tra và qua 14 mở phiên tòa, TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk mới mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo gồm: Phạm Văn Vượng (SN 1975), Nguyễn Thanh Lam (SN 1983), Lê Minh Tiến (SN 1970), Nguyễn Hùng Danh (SN 1981) và Đàm Thanh Cưu (SN 1982) cùng trú tại tỉnh Đắk Lắk và tuyên án các bị cáo cùng về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. 

Theo đó, Vượng 1 năm 6 tháng tù, Lam 2 năm tù, Tiến, Danh và Cưu mỗi người 9 tháng tù.

Từ làm thuê thành đối tượng phá rừng

Theo cáo trạng, tháng 7/2012 Công ty Cổ phần Thương mai - Du lịch (CP TM-DL) Bản Đôn đã lập phương án gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin thuê lại toàn bộ diện tích đất rừng do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk quản lý nhưng chưa được chấp thuận.

Tháng 4/2013, sau được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP TM-DL Bản Đôn, ông Nguyễn Quang Đức (ngụ quận Thủ Đức, TP. HCM) đã chỉ đạo công ty tạm ngừng kinh doanh 1 tháng để vệ sinh, thu gom cành, cây rừng gãy đổ ở khu vực trung tâm công ty. Sau đó, ông Đức đã thuê Vượng thu gom giúp hoặc tìm người thu gom, dọn vệ sinh rừng cho công ty. Đức và Vượng thống nhất, số tiền bán phế liệu, bán củi thu gom sẽ nộp về cho công ty.

Đầu tháng 5/2013, Lam nghe tin Vượng đang tìm người thu gom củi, cây đổ khai thác gỗ nên đã tới gặp và thống nhất việc khai thác gỗ đem đi bán. Để tiến hành thu gom và khai thác, Lam đã thuê Tiến, Danh, Cưu với tiền công thỏa thuận là 500.000 đồng/người/xe gỗ khai thác được.

Từ ngày 15/5/2013 đến 31/5/2013, Lam, Danh, Cưu và Tiến đã khai thác trái phép 221 cây, trong đó có 138 cây lấy đi phần gỗ, 83 cây bị cắt hạ, cưa khúc gồm các loại cây giáng hương, căm xe, cà chít, chiêu liêu, cẩm sừng, gáo vàng. Tổng cộng, cả số gỗ mà Lam bán đi và số gỗ thu gom sau khi phát hiện là hơn 84m3 gỗ. Riêng khoảng 30m3 gỗ mà Lam đã bán được 122 triệu đồng, Lam đã trả tiền gỗ cho Vượng 80 triệu đồng, Vượng đã nộp vào công ty 59,5 triệu đồng. Số tiền còn lại, Lam đã trả công cho Danh và Cưu mỗi người 2,5 triệu đồng; Tiến 1,6 triệu đồng và các chi phí khác.

Bản cáo trạng kết luận, do ý thức coi thường pháp luật, coi thường các quy định về quản lý và bảo vệ rừng nên sau khi được ông Đức thuê thu gom, dọn vệ sinh cây rừng cho công ty; Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của công ty, Vượng đã thuê các đối tượng trên vừa thu gom, khai thác trái phép gỗ tại khoảnh 6, tiểu khu 469 rừng sản xuất do công ty quản lý. Tổng khối lượng gỗ các đối tượng khai thác trái phép là 37m3. Lam đã bán khoảng 30m3 gỗ tròn thu lợi bất chính được 122 triệu đồng, còn 4,1m3 gỗ hộp Lam cất dấu tại nhà.

Chưa làm rõ vai trò của Tổng Giám đốc vì đang “mất tích”

Sau một thời gian điều tra, Vượng đã gửi đơn tố cáo, khiếu nại lên nhiều cơ quan chức năng yêu cầu làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Trong đó có vấn đề cho rằng ông Đức là người tổ chức, chủ mưu chỉ đạo việc khai thác gỗ thì bị bỏ lọt, cố tình cho ông Đức vắng mặt để che đậy hành vi nhận hối lộ của một số cán bộ Công an, Viện Kiểm sát.

Tại phiên tòa ngày 20/9, Vượng một mực khẳng định công ty đã bán gỗ cho người khai thác trước đó nhưng giá cả thấp nên ông Đức mới nhờ Vượng tìm mối giá cao hơn để khai thác. Bằng chứng là có nhiều cây đã bị cưa hạ từ trước và gỗ được gom bằng voi để lại dấu vết tại hiện trường, điều này đại diện Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn cũng đã xác nhận.

Theo Vượng, vị trí khai thác nằm gần công ty, chỉ có 1 con đường duy nhất nên xe gỗ muốn vận chuyển ra cũng phải có bảo vệ ra mở cổng. Khi bán được gỗ, bị cáo đã nộp tiền vào công ty bằng 8 hóa đơn và những người thu tiền cũng khai nhận làm theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc.

Vượng cho biết: “Ông Đức là người trực tiếp nhờ chúng tôi khai thác gỗ, do tin tưởng ông ấy nên chúng tôi mới nhận lời làm. Toàn bộ số gỗ đều được vận chuyển qua trạm kiểm soát của công ty, được bảo vệ mở cổng và kéo rào chắn cho đi qua, thậm chí tiền bán gỗ cũng nộp lại cho công ty. Do đó, để không bỏ lọt người có tội, tôi yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và tội đưa hối lộ đối với ông Nguyễn Quang Đức. Đồng thời khởi tố ông Trương Văn Thêm - Đội trưởng Đội Điều tra kinh tế huyện Buôn Đôn về tội nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Trong phần tuyên án, Hội đồng Xét xử cho biết Cơ quan Điều tra đã tới nơi ông Đức sinh sống để xác minh nhưng đến nay không biết ông Đức ở đâu. Do đó, tòa gửi bản án đến cơ quan chức năng và đề nghị Cơ quan Điều tra và Viện KSND huyện Buôn Đôn làm rõ hành vi đồng phạm của ông Nguyễn Quang Đức. Đồng thời khiến nghị Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ hành vi đưa nhận hối lộ giữa ông Đức và ông Trương Văn Thêm (nguyên Đội trưởng Đội kinh tế Công an huyện Buôn Đôn) để làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Quỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm