Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những hệ lụy pháp lý khi thông tin cá nhân bị lọt, lộ

Quang Đông

Thứ ba, 14/06/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thông tin cá nhân mang tính bí mật, bị kẻ gian lợi dụng, chiếm đoạt sử dụng nhằm mục đích khống chế, thậm chí là tống tiền. Lợi dụng những sơ hở về quan hệ để chiếm tài khoản nhằm lừa đảo tài sản. Gây phiền nhiễu, mất thời gian đối với người dùng như phải nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ các dịch vụ, hình thức quảng cáo, mời chào cho vay tín dụng không thế chấp tài sản, vay trực tuyến...

Cần coi dữ liệu cá nhân là một loại tài sản phi truyền thống và tăng tính tự bảo mật. Ảnh: BA

Mua bán, đánh cắp thông tin cá nhân nhằm mục đích phi pháp

Thông tin cá nhân được xem là tài sản, “tài nguyên” có giá trị nên nó đã trở thành mục tiêu cho các đối tượng tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi đánh cắp, mua bán nhằm mục đích thu lợi bất chính, tiếp tay cho các hành vi phạm pháp. Nhiều đường dây tổ chức mua bán, đánh cắp thông tin cá nhân đã bị lực lượng công an triệt phá, nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, gây tâm lý lo ngại trong dư luận.

Đơn cử, ngày 2/6, Công an tỉnh Nghệ An thông tin cho biết đã triệt phá thành công một đường dây chuyên thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội… do đối tượng Lê Thế Trung (SN 1985, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cầm đầu.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận, tính từ năm 2020 đến đầu năm 2022, nhóm đối tượng đã mua, thuê, mượn của hơn 600 người tại nhiều tỉnh, thành khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng, sau đó giao cho các đối tượng nước ngoài sử dụng nhằm mục đích phục vụ việc đánh bạc.

Cơ quan công an đã khởi tố điều tra vụ án “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Trước đó, vào ngày 1/6, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đã bắt giữ 5 đối tượng xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, viễn thông ngân hàng tại Tam Kỳ để tra cứu lịch sử giao dịch, chiếm đoạt hơn 1.300 lượt thông tin cá nhân, phục vụ mục đích riêng trái phép.

Từ khoảng tháng 12/2021, phát hiện có tình trạng lộ, lọt thông tin từ tài khoản CIC của một ngân hàng trên địa bàn Tam Kỳ; Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành điều tra, xác định: Do có thời gian công tác tại một ngân hàng có phòng giao dịch tại Tam Kỳ nên Bùi Văn Chương (SN 1990) biết được tài khoản CIC và mật khẩu đăng nhập. Từ đây, Chương đã tự ý cung cấp tài khoản và mật khẩu CIC của ngân hàng để Nguyễn Thị Chi Lăng (nhân viên một công ty tài chính tại tỉnh Quảng Nam) sử dụng khi có nhu cầu tra cứu lịch sử giao dịch vay vốn và thông tin khách hàng để hỗ trợ cho việc vay vốn.

Thời gian gần đây cũng xuất hiện tình trạng một số đối tượng xin trả tiền để được chụp ảnh căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND) của người dân để bán thông tin cho người nước ngoài. Điển hình, ngày 13/5/2022, Công an huyện Kim Sơn, Ninh Bình nhận được tin báo có 2 thanh niên lôi kéo người dân xã Hùng Tiến, mượn CCCD để chụp ảnh không rõ mục đích. Qua xác minh, 2 đối tượng khai nhận quen biết với 1 người nước ngoài đặt vấn đề mua thông tin dữ liệu cá nhân với giá 35 USD/1 người (khoảng 800.000đ). Hai đối tượng đã thu nhận được thông tin của hơn 100 người dân.

Cần coi dữ liệu cá nhân là một loại tài sản phi truyền thống

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, từ những thông tin cá nhân bị đánh cắp hay mua bán mà có được, các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các ổ nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao xuyên biên giới móc nối các đối tượng trong nước mở tài khoản ngân hàng, mở tài khoản bitcoin bằng cách mượn, thuê CCCD. Lợi dụng hình ảnh CCCD, CMND hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước.

Các công ty “ảo” lấy dữ liệu để đăng ký mã số thuế ảo hoặc một số đối tượng lấy thông tin cá nhân để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ”, sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì hiện nay có nhiều ứng dụng cho vay tiền online, chỉ cần chụp hình ảnh CCCD hay CMND là có thể vay tiền và được giải ngân nhanh chóng; các ứng dụng này thủ tục đơn giản, bỏ qua khâu xác minh chính chủ, từ đó, tạo khe hở cho các đối tượng tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm chiếm đoạt.

Tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân, hình ảnh trên không gian mạng đang là mối lo chung của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dùng mạng Internet.

“Các đối tượng thu thập, khai thác thông tin khi người dùng mạng Internet cung cấp thông tin cá nhân để mua hàng, tham gia giao dịch thương mại điện tử, chiêu trò quảng cáo bán hàng hay “bẫy quảng cáo” trên các website; việc đăng ký thông tin cá nhân trên các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, và có thể từ tất cả các ứng dụng không chính thống, không có bảo mật thông tin. Từ các thông tin thu thập được, kẻ xấu có thể sử dụng để lừa đảo, mạo danh để chiếm đoạt tài sản từ bạn bè, gia đình, thậm chí chiếm đoạt tài khoản ngân hàng” - Công an tỉnh Hưng Yên cho biết.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an: “Hành lang pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng còn thiếu và chưa đáp ứng được thực tiễn trước sự biến đổi nhanh chóng của không gian mạng cũng như tình hình tội phạm mạng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhận thức về an ninh mạng và kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn của người sử dụng còn thấp, tạo điều kiện cho các loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng, khai thác thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn cho người dân”.

Các cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo nên hạn chế việc khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội để giảm thiểu nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin; không chia sẻ hay để công khai các thông tin nhạy cảm như địa chỉ email, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, ảnh chụp CCCD, CMND trên không gian mạng. Đọc kỹ quy định về bảo mật để bảo vệ quyền lợi của chính mình và luôn có thói quen kiểm tra thật kỹ trước khi khai báo. Cần coi dữ liệu cá nhân là một loại tài sản phi truyền thống.

Để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện thông tin của mình hoặc người khác lộ, lọt, đang bị sử dụng vào hoạt động phạm pháp, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Trần Lê

20:21 11/12/2024
Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm