Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bản giám định pháp y nhiều khiếm khuyết

Thứ sáu, 04/01/2013 - 13:54

(Thanh tra)- Sau khi Báo Thanh tra vào cuộc và có loạt bài phản ánh về vụ án cố ý gây thương tích tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đồng Hỷ mới “hối thúc” các cơ quan chức năng vào cuộc.

>>Gián tiếp giết người, cơ quan nào chịu trách nhiệm?
>>UBND huyện Đồng Hỷ cần nhận trách nhiệm
>>Hạ thấp tỷ lệ thương tật để… chạy án?

Trước đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, chúng tôi đã phát hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Đồng Hỷ có nhiều biểu hiện vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự. Không những thế, ngay chính bản thân ông Nguyễn Văn Hà (nạn nhân) cũng phát hiện dấu hiệu cấu kết giữa người nhà hung thủ với các bác sĩ của Tổ chức Giám định pháp y (GĐPY) tỉnh Thái Nguyên (xem bài “Hạ thấp tỷ lệ thương tật (TLTT) để… chạy án”) để giảm nhẹ thương tật của mình. Sau khi ông Hà có đơn đề nghị giám định lại thương tật, cùng sự đấu tranh của báo chí, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Hỷ đã đồng ý cho ông Hà được đi giám định lại tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an.

Để làm rõ hơn những nghi ngờ của ông Hà, chúng tôi đã phỏng vấn bác sỹ Cao Xuân Quyết (nguyên giám định viên pháp y tâm thần, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an) về Bản GĐPY số 58/GĐPY của Tổ chức GĐPY tỉnh Thái Nguyên.
 
+ Thưa bác sĩ, sau khi nghiên cứu toàn bộ bệnh án của nạn nhân Nguyễn Văn Hà và Bản GĐPY số 58/GĐPY, ông có nhận xét gì?

- Tôi khẳng định, đây là bản GĐPY có nhiều khiếm khuyết.

+ Cơ sở nào khiến ông khẳng định như vậy?

- Theo hồ sơ bệnh án, sau khi bị đánh, ông Hà được đưa đi cấp cứu tại Phân viện Trại Cau trong tình trạng vùng đỉnh chẩm rách da 2cm, xung quanh vết thương sưng nề, bầm tím; vùng vai phải bầm tím; vùng bìu phải sưng nề, rất đau nhức; đau đầu, chóng mặt, đau vùng lưng, vai… Sau 11 ngày điều trị, ông Hà tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên vì tình trạng đau đầu, mất ngủ dài ngày, đêm. Nhưng sau gần 2 tháng điều trị bệnh vẫn không thuyên giảm. Tại bản GĐPY số 58/GĐPY của Tổ chức GĐPY tỉnh Thái Nguyên kết luận: Sẹo vùng đỉnh chẩm, kích thước 1 x 0,1cm. Sẹo mờ vùng lưng - vai phải, kích thước 5 x 0,1cm. Chấn thương tinh hoàn phải hiện còn rất đau. TLTT toàn bộ 29%. Xếp hạng thương tật: Thương tật vĩnh viễn 8%; thương tật tạm thời 21%.

Nghiên cứu bản GĐYP này, tôi thấy có nhiều khiếm khuyết.

Thứ nhất, không thể hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, không có kết quả khám chuyên khoa, không thống kê đầy đủ các di chứng thương tích. Đành rằng ông Hà điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên vừa ra viện trước khi được giám định 20 ngày, nhưng theo nguyên tắc khi GĐPY thương tích vẫn buộc phải gửi khám chuyên khoa tâm thần để xác định tình trạng tâm thần tại thời điểm giám định. Tổ chức GĐPY Thái Nguyên đã không gửi bị hại đi giám định chuyên khoa tâm thần là làm sai quy trình chuyên môn, vì nguyên tắc của nghề Y là phải gửi đi khám chuyên khoa (mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, thần kinh…) khi bác sĩ không đủ khả năng (chuyên khoa) và phải tổng hợp đầy đủ tình trạng bệnh tật của bệnh nhân mà mình đang chữa trị và GĐPY cũng không nằm ngoài quy định chuyên môn này. Các giám định viên ở đây chỉ sử dụng bệnh án điều trị của Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên với trích dẫn “suy nhược thần kinh sau chấn thương” nhưng phần kết quả giám định lại không thấy ghi tình trạng suy nhược thần kinh, tức là không tổng hợp đầy đủ những di chứng thương tích, thể hiện một lề lối chuyên môn không khoa học, tùy tiện.

Thứ hai, khi kết luận TLTT toàn bộ không thấy phần xác định từng di chứng thương tật cụ thể của ông Hà được áp dụng vào chương, phần, mục nào, TLTT của từng di chứng là bao nhiêu (sau đó cộng lùi)? Theo nguyên tắc giám định thương tích trên người sống, giám định viên buộc phải ghi rõ chương, phần, mục trong Bảng phân loại tiêu chuẩn thương tật (thường gọi là barem thương tật) ban hành theo Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Liên Bộ Y tế - Lao động, Thương binh & Xã hội hiện đang được các cơ quan tiến hành tố tụng nước ta thống nhất sử dụng.

Quy định này là để cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đối chiếu di chứng thương tật (thay đổi giải phẫu, biểu hiện lâm sàng…) có phù hợp với chương, phần, mục và khung tỉ lệ thương tật của chương, phần, mục đó hay không? Không viện dẫn chương, phần, mục thì không thể biết giám định viên áp dụng đúng hay sai. Mặt khác, TLTT toàn bộ của ông Hà không rõ đã được cộng lùi hay chưa, vì căn cứ những ghi nhận của Bản GĐYP 58/GĐYP thì những thương tích và di chứng thương tích của ông Hà khi được khám giám định không đủ điều kiện để cho thẳng và cộng thẳng TLTT (mà phải áp dụng nguyên tắc cộng lùi). Bản GĐYP 58 không thấy nói đến áp dụng nguyên tắc này.

Thứ ba, nếu những khám xét ghi trong Bản GĐYP 58 là chính xác thì việc xác định TLTT cho từng thương tích có vấn đề. Vì Bản GĐYP 58 ghi là thương tật tạm thời 21%; thương tật vĩnh viễn 8% nên có thể phỏng đoán 21% được định cho di chứng suy nhược thần kinh sau chấn thương sọ não, còn 8% (không rõ đã cộng lùi hay chưa) được định cho hai di chứng là sẹo vùng đỉnh chẩm, sẹo mờ vùng lưng phải và thương tích chấn thương tinh hoàn phải. Do sẹo ở đỉnh chẩm và sẹo mờ ở vùng lưng - vai phải là những sẹo nhỏ không ảnh hưởng chức năng (đau, rát, tê…), theo barem thương tật thì mỗi sẹo chỉ được 1% thương tật, tức là cả hai sẹo này chỉ được 2% thương tật chưa cộng lùi, không thể cho tỉ lệ cao hơn được vì đây là những sẹo rất nhỏ. Nếu là sẹo ảnh hưởng chức năng thì TLTT mỗi sẹo phải từ 8 - 12%, nhưng với 2 sẹo này thì khó có thể là sẹo ảnh hưởng chức năng được.

Còn “chấn thương tinh hoàn…” có thể giám định viên đã vận dụng mục 10a, chương VII: Mất một bên tinh hoàn đối người trên 55 tuổi có khung tỉ lệ là 5 - 10% (ông Hà sinh năm 1957). Cần phải giải thích tại sao lại là vận dụng mà không phải là áp dụng: Trong Chương VII - Di chứng vết thương, chấn thương cơ quan tiết niệu - sinh dục của Barem thương tật không có mục đụng dập tinh hoàn (siêu âm tại Bệnh viện Trại Cau, ông Hà có khoảng trống âm ở tinh hoàn phải 13x9mm), mà chỉ có mục “mất tinh hoàn”, tức là không áp dụng được để định TLTT đối với chấn thương tinh hoàn phải của ông Hà? Do barem thương tật hiện hành chưa có đủ các di chứng thương tích so với thực tế nên có thể giám định viên vận dụng một mục nào đó trong chương (có mốc tỉ lệ tương đương với di chứng của bị hại) để không thiệt thòi cho bị hại, nhưng phải tính toán rất kỹ và có căn cứ xác đáng cho việc vận dụng.

Trường hợp này nếu phỏng đoán vận dụng như trên là đúng thì có hai điểm sai. Thứ nhất, nếu đúng là giám định viên cho hai sẹo nói trên 2% thương tật và họ cũng đã cộng lùi đúng thì để ra được con số 29%, họ phải cho “chấn thương tinh hoàn phải” ít nhất là 9% thương tật. Thế thì sai ở chỗ mất một tinh hoàn mới được mức thấp nhất là 5% thương tật, trong khi chỉ đụng dập thì lại được tới 9% thương tật. Thứ hai, phần kết quả giám định ghi: “Chấn thương tinh hoàn hiện còn rất đau” tức là thương tích này đang có sự tiến triển (đến khỏi hoàn toàn hoặc có thể nặng lên) mà xếp hạng thương tật vĩnh viễn là sai. Ở đây giám định viên đã lẫn lộn giữa hạng thương tật là mức độ nặng hay nhẹ và tình trạng thương tật là thương tật đã ổn định hay còn có thể thay đổi (gọi là sự tiến triển) mà trong barem quy định là thương tật vĩnh viễn hay tạm thời. Trước đây, barem thương tật ngoài các mốc TLTT có thêm phân chia theo hạng, có thời kỳ hạng I là thương tật nhẹ nhưng thời kỳ khác hạng I lại là nặng; hay có thời kỳ chia thành 8 hạng, thời kỳ khác lại chỉ chia 4 hạng. Xếp hạng thương tật chỉ có ý nghĩa đối với thương binh, chẳng hạn nói thương binh hạng I/IV thì hiểu ngay đó là hạng nặng hay hạng nhẹ. Giám định y khoa đã bỏ xếp hạng từ lâu. Xếp hạng thương tật không có ý nghĩa trong tố tụng hình sự bởi căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, định khung hình phạt đã được quy định bằng những mốc TLTT cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Đối với GĐPY TLTT phải xác định thương tật tạm thời hay vĩnh viễn và điều này chỉ có ý nghĩa y học đơn thuần; còn trong tố tụng hình sự thương tật tạm thời hay vĩnh viễn có giá trị như nhau.

+ Vậy ông có ý kiến gì về kết quả giám định thương tật của Trung tâm Tư vấn giám định dân sự thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội (là nơi ông Hà khám tự nguyện để kiểm chứng và được tư vấn) kết luận ông Hà có TLTT là 41,5%?

- Hiện tại, ông Hà không còn vết sẹo mờ ở vùng lưng - vai phải; còn đau bìu phải và đặc biệt là các triệu chứng suy nhược sau chấn thương sọ não rất rõ nét (trong phần nghiên cứu hồ sơ của Bản GĐYP 58/GĐYP ghi là “suy nhược thần kinh sau chấn thương”, nhưng thực chất đây là một bệnh cảnh suy nhược toàn thân sau chấn thương sọ não, trong đó nổi bật là các triệu chứng thần kinh như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, quên, rối loạn cảm xúc…). Quan trọng là, các triệu chứng suy nhược sau chấn thương sọ não của ông Hà còn tồn tại đến thời điểm này và thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán của một Hội chứng suy nhược sau chấn thương sọ não mức độ trung bình, ảnh hưởng rõ rệt đến lao động, có mốc TLTT 41 - 45%. 

+ Xin cảm ơn ông!


Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu làm rõ vụ việc

Sau loạt bài đăng trên Báo Thanh tra, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2667/UBND-TH gửi Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh, trong đó giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Viện KSND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra làm rõ vụ việc, trách nhiệm của các đối tượng liên quan…

Cùng đó, Viện KSND Tối cao cũng đã có văn bản yêu cầu Viện KSND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra vụ việc, báo cáo lãnh đạo Viện KSND Tối cao phụ trách và Vụ 1A; đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng Viện KSND Tối cao để theo dõi.

Nhóm PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Trần Lê

20:21 11/12/2024
Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024

Tin mới nhất