Chợ Thụt (trước đây có tên chợ tình) hàng năm chỉ diễn ra một lần vào ngày mùng 1 và 2 tháng 2 (Âm lịch) là nơi để mọi người đến tìm bạn tình của mình trong một ngày.

Điều nữa, mỗi người đến chợ thường mua lấy một thứ vật dụng làm nông nghiệp như: Cày, cuốc, dao, kéo, nông cụ… để lấy may.

Một cụ cao niên tại thôn Thụt cho biết: Chợ này bắt đầu có khi nào thì đến bây giờ cũng không ai còn nhớ, chỉ biết khi mình sinh ra ở đây đã có chợ họp rồi. Còn cái tên “Thụt” là do dòng sông Lô khi chảy qua khu vực này thấy có một cái hang nước chảy thụt vào đó, từ đó có cái tên Thụt.

Theo ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, Trưởng ban Tổ chức Hội truyền thống Thụt cho biết: Do trước đây có những điều kiện khách quan và chủ quan nên Hội truyền thống chợ Thụt đã bị ngắt đoạn, cho đến khoảng 4 năm gần đây thì UBND xã đã tích cực khôi phục lại Hội chợ này hàng năm.

“Tổ chức hội chợ gồm 2 phần: Họp chợ để người dân mọi nơi về mua bán các sản phẩm vật dụng tại địa phương cũng như từ nơi khác và một phần quan trọng nữa là tổ chức vui chơi là đua ngựa và đấu ngựa truyền thống. Chọi ngựa thì có nhiều năm rồi, còn đua ngựa mới chỉ diễn ra được 2 năm nay” - ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, cuộc thi chọi ngựa năm nay có sự tham gia của 16 chú ngựa đực và 1 ngựa cái của các chủ ngựa đến từ địa phương, vùng lân cận và các tỉnh bạn như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La… Thể thức là bắt thăm các cặp ngựa tham gia đấu loại trực tiếp, cứ chú ngựa nào thắng thì sẽ đi tiếp vào vòng trong cho đến khi chọn được chú ngựa vô địch. Ban tổ chức sẽ trao các giải nhất, nhì và ba cho các chú ngựa đạt giải.

Một chủ ngựa có nhiều năm tham gia thi đấu cho biết thêm: Nếu có 32 con ngựa đực thi đấu thì phải có 2 con ngựa cái để nhử, còn 16 con thì chỉ cần 1 con ngựa cái là đủ. Rồi trước khi vào trận thì phải cho 2 con ngựa đực ngửi mùi con ngựa cái trong 1 đến 2 phút cho quen hơi thì chúng mới chịu đánh.

Mỗi con có một kiểu đánh, ngón đòn khác nhau để hạ đối thủ, có con đánh đòn hộ lao như cắn vào miệng vào tai đối thủ. Có con thì cắn vào bờm, vào đuôi khiến đối thủ đau mà bỏ chạy

Nếu 2 bên đánh mãi mà không phân thắng bại thì phải kéo trạc, tức là dùng dây thừng buộc vào cổ hai con ngựa rồi kéo chéo nhau bắt buộc đánh để phân thắng bại.

Dưới đây là những hình ảnh PV khi lại được tại Hội chọi ngựa này:

Toàn cảnh nơi tổ chức đua ngựa và chọi ngựa Hội chợ truyền thống Thụt năm 2018. Ảnh: QM
Đông đảo khán giả ngồi xem chọi ngựa từ trên khán đài. Ảnh: ND
Ban tổ chức vẽ vạch vôi vòng tròn để nếu chú ngựa nào mà bị đánh chạy ra khỏi vòng tròn 3 lần sẽ bị xử thua. Ảnh: ND 

Một chú ngựa cái được cột trong sân để khiêu khích 2 chú ngựa đực chọi nhau tranh giành. Ảnh: ND

Sau đó chú ngựa đực được đưa lại gần để cảm nhận mùi hương chú ngựa cái để kích thích giao chiến. Ảnh: ND

Nhiều chú ngựa đực máu chiến quá khiến chủ ngựa phải vất vả khống chế kìm hãm lại. Ảnh: ND

Rồi mới cho lao vào xung trận. Ảnh: ND

Các thế đánh như: Giấu chân tung đòn cắn đối thủ vì theo chủ ngựa thì việc bị cắn vào chân sẽ phải mất mấy tháng mới trị khỏi. Ảnh: ND

Đòn đá hậu là sở trường của ngựa nhưng không hiểm nên khó hạ được đối thủ bằng đòn này. Ảnh: ND

Mà phải là đòn cắn vào tai hoặc vào mõm khiến đối thủ đau điếng và bỏ chạy. Ảnh: ND

Hay như đòn cắn vào bờm này cũng khiến đối thủ phải bỏ chạy. Ảnh: ND

Chú ngựa này có đòn độc hạ đo ván đối thủ ngay trong sân khiến trọng tài và chủ ngựa phải vào can thiệp không thì đối phương sẽ phải bỏ mạng. Ảnh: ND

Còn không thì chú ngựa nào nếu 3 lần chạy ra khỏi vòng tròn sơn trắng thì sẽ bị trọng tài phất cờ đỏ xử thua. Ảnh: ND

Cuối cùng Ban Tổ chức trao giải là phần thưởng hiện vật khá lớn cho các chủ ngựa đạt giải. Ảnh: ND

Phóng sự ảnh: Nam Dũng