Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91 mắc COVID-19

Theo Thùy Giang - Lê Hảo (Vietnam+)

Thứ sáu, 08/05/2020 - 11:55

Bệnh nhân 91 là nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, là phi công Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Các chuyên gia thảo luận tại cuộc họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh nhân số 91 là bệnh nhân trong tình trạng nặng nhất, 2 phổi đông đặc, Hội đồng chuyên đang xem xét phương án ghép phổi.

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp giữa Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế cùng các Tổ chức quốc tế về chiến lược xét nghiệm, điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới diễn ra ngày 7/5 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã thảo luận và ý kiến về sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19, chiến lược tổ chức điều trị, xét nghiệm giai đoạn tới và thảo luận một số ca bệnh COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Việt Nam ra sao?

Tại cuộc họp, giáo sư Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn đã chia sẻ với các chuyên gia quốc tế những thông tin về điều trị các ca bệnh nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó có 3 ca bệnh trong tình trạng nặng được các thành viên Hội đồng chuyên môn theo dõi sát sao hàng ngày và có những tiến triển.

Đó là trường hợp Bệnh nhân 19 (bác của BN17) đã rút được ECMO, cai được máy thở, đã nói và ăn uống được. Bệnh nhân này đang được tiếp tục tập phục hồi chức năng và tăng cường dinh dưỡng.

Bệnh nhân số 161 đã hồi phục, xét nghiệm XN SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân số 91 hiện nặng nhất, 2 phổi đông đặc, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân.

BN 91 là nam giới, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Ngày 8/3, bệnh nhân là hành khách từ London (Anh) về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN10, số ghế 5K. Tiếp sau đó, bệnh nhân chưa nhớ rõ lịch trình đi lại và các chuyến bay quốc tế, quốc nội.

Ngày 17/3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho và đến chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám, nhập viện với tình trạng X-Quang có tổn thương nhu mô phổi phải.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18/3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/3.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính khẳng định đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có ca nào tử vong do COVID-19. Về trường hợp tử vong của BN251, Hội đồng chuyên môn khẳng định, bệnh nhân tử vong do xơ gan giai đoạn cuối, viêm gan vi rút, bệnh gút mạn tính.

Trước đó BN251 đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19, được theo dõi 15 ngày sau khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 5 lần âm tính trước khi được chuyển về điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Xây dựng chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới

Giáo sư Nguyễn Gia Bình-Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn ca bệnh nặng đã trình bày tổng quan công tác chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, giáo sư Lê Quang Cường-Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Tổ công tác của Phó Thủ tướng cho biết tất cả các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm của Việt Nam đều bám sát những khuyến cáo chung của WHO, CDC, Hoa Kỳ, Trung Quốc, cập nhật các nghiên cứu và theo sát những thử nghiệm lâm sàng của thế giới. Việt Nam luôn thực hiện theo những quy định chuẩn mực về thử nghiệm lâm sàng để đem lại những điều tốt nhất cho trực tiếp người bệnh.

Giáo sư Lê Quang Cường cũng đề nghị các chuyên gia của WHO và CDC có thêm ý kiến góp ý cho Việt Nam về công tác chuyên môn, các ca bệnh dương tính lại và các ca bệnh khác.

Tại cuộc họp, các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới và CDC đã cùng nhau chia sẻ thông tin về chiến lược xét nghiệm, công tác điều trị người bệnh COVID, vấn đề bệnh nhân tái dương tính...

Các chuyên gia của WHO và CDC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, bước đầu để ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam, trong đó có sự góp phần hết sức quan trọng của Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn, các chuyên gia, chiến lược xét nghiệm và điều trị.

Các chuyên gia quốc tế thống nhất với những nội dung của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đánh giá và kết luận về ca bệnh 251.

Các chuyên gia CDC thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao kết quả đạt được của Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng phối hợp với Việt Nam xây dựng chiến lược xét nghiệm phù hợp trong thời gian tới.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Phó Trưởng tiểu ban điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 nhấn mạnh đã có hơn 20 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn còn các bệnh nhân từ nước ngoài về. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nỗ lực ngay từ ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên và hiện nay vẫn tiếp tục phải nỗ lực và cập nhật các vấn đề về chuyên môn, dịch tễ học, xét nghiệm, vấn đề dương tính lại...

Do đó, việc phối hợp và đồng hành với WHO, CDC là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy sự thành công trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm