Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tuyến đầu kiên cố chống "giặc" COVID-19 vì một đất nước khỏe mạnh

Thứ tư, 01/09/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Gần 2 năm qua, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở nước ta, ngành Y tế đang nỗ lực từng ngày nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch khác, ngành Y tế huy động lực lượng y tế cả nước, tập trung nâng cao năng lực cán bộ, thành lập các trung tâm điều trị, hồi sức cấp cứu… Tất cả với mục tiêu cao nhất bảo vệ sức khỏe người dân.

Ảnh minh họa: BYT

Huy động lực lượng y tế cả nước vào cuộc

Ngay từ những ngày đầu của năm 2021, dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trở lại tại Hải Dương, Quảng Ninh và lây lan ra 11 địa phương khác trong cả nước. Cuộc chiến với "giặc COVID-19" lần này gian nan hơn, với các chủng biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Khi dịch COVID-19 ập đến, thiếu nhân lực ngành Y càng trở nên cấp bách khi nhân viên y tế luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải, xuyên đêm, suốt ngày, hiếm có thời gian nghỉ ngơi.

Đặc biệt, tại ổ dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, hiện nay là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đội ngũ tuyến đầu chống dịch đã có nhiều ngày dài không có nổi một giấc ngủ ngon hay một bữa cơm đúng nghĩa.

Trước tình hình đó, ngành Y tế đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn, an ninh y tế và nâng cao sức khỏe người dân. Phát huy những thành công, những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch COVID-19, trong ngăn ngừa, phòng, chống và dập tắt các dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân.

Bộ Y tế quyết định huy động đội ngũ gần 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ và các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung hỗ trợ y tế TP Hồ Chí Minh chống dịch. Đồng thời, số lượng lớn cán bộ này cũng nhằm thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển) để bảo đảm sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, chỉ tính riêng 8 trường đại học y khoa phía Bắc thuộc Bộ Y tế, đã có hơn 2.200 sinh viên, cán bộ, giảng viên đủ điều kiện lên đường. Ngoài ra, 1.000 sinh viên cũng đã được tập huấn, đào tạo chuyên môn trở thành lực lượng “dự bị sẵn sàng” khi có yêu cầu.

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Bộ Y tế về việc tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế tư nhân cũng đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chủ động lên phương án tách đôi, để đảm bảo vừa chăm sức khoẻ nhân dân vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đào tạo nhân lực, sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 nặng gia tăng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các cơ sở y tế cấp tốc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; tập huấn, nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực và xem đây là công việc hết sức cấp bách.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc đào tạo thực hiện theo Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng". Các bệnh viện lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm và dự kiến huy động làm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, rồi liên hệ với các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia (theo địa bàn phụ trách) để được đào tạo, tập huấn cấp tốc về cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở và các nội dung cần thiết khác bằng các hình thức tại chỗ, trực tuyến… Ưu tiên việc cử người đến các trung tâm để trực tiếp học và thực hành.

Ngoài ra, các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương lập kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các bệnh viện được phụ trách theo đề án và phân công, giao việc cho các học viên đến thực hành.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã chỉ định và thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia, quy mô từ 200 - 3.000 giường bệnh hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện, như: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2); Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Phổi Trung ương; Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2); Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh); Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103.

Đại diện tổ công tác Bộ Y tế tập huấn cách xử trí với ca nhiễm đang cách ly, theo dõi ở nhà. Ảnh: BYT

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kể từ đầu đợt dịch COVID-19 thứ tư đến nay, không chỉ tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về chăm sóc, điều trị COVID-19 cho tuyến dưới, mà còn đào tạo tại chỗ cho nhiều cán bộ y tế đến từ các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên, giúp các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Tại các lớp học này, các cán bộ y tế tuyến dưới được các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn điều trị, chăm sóc từ bệnh nhân thông thường đến các bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý nền, cần kỹ thuật cao, như: Thở máy, thở máy không xâm nhập, lọc máu, đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)...

Kết thúc khóa đào tạo kéo dài từ 1 - 2 tháng, các học viên có thể tự khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại địa phương theo phương châm "4 tại chỗ", đồng thời có thể sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khác khi có yêu cầu.

Cùng với việc tổ chức các khóa đào tạo, thời gian qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn cử nhiều cán bộ đi hỗ trợ chuyên môn tại các điểm nóng về dịch COVID-19, như: Bắc Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp...

Thay đổi nhiều biện pháp phòng, chống dịch

Để công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch với nhiều quy định mới. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng. Đồng thời, tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với RT-PCR.

Tại khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3-5 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình, theo mẫu gộp cả hộ với RT-PCR hoặc gộp 3-5 mẫu với test nhanh kháng nguyên. Với khu vực nguy cơ cao, thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình, tương tự nguyên tắc trên. Các khu vực khác thực hiện giám sát, xét nghiệm tầm soát lấy mẫu đại diện thành viên gia đình nguy cơ nhất, di chuyển nhiều nhất.

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần với trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu... Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm. Đây là điểm mới trong tình hình nhân lực y tế đang thiếu ở một số vùng có số ca mắc tăng cao.

Theo Bộ Y tế, các địa phương áp dụng mô hình điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, phân theo tiến triển bệnh và mức độ lâm sàng. Đối với F0 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có tải lượng virus thấp và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng, không có triệu chứng, nếu tải lượng virus thấp thì không cần đưa vào cơ sở y tế, mà chỉ theo dõi tại nhà. Người tái dương tính không cần đưa vào bệnh viện.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm