Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phân chia lợi ích không đều, bệnh nhân chịu thiệt

Thứ sáu, 25/04/2014 - 20:53

(Thanh tra) - Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, mỗi bệnh viện một giá dịch vụ, cùng một thiết bị y tế mắt nhưng “chúng tôi đi 3 bệnh viện thì 3 bệnh viện phân chia tỷ lệ khác nhau”; việc khấu hao thiết bị quá lớn… “Nhà đầu tư được lợi, phải chăng bệnh nhân chịu thiệt?”.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị cần sớm kiến nghị với Bộ Y tế để có giá trần dịch vụ y tế xã hội hóa. Ảnh: Thảo Nguyên

>>Bệnh viện Thanh Nhàn:  “Bất thường” quanh việc cho thuê tài sản hơn 20 năm? 

Hôm nay (25/4), Đoàn Giám sát HĐND TP Hà Nội làm việc với Sở Y tế về kết quả thực hiện chính sách xã hội hóa tại các bệnh viện công lập của TP Hà Nội. 

“Hoan hô” nhiều, kết quả kém

Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đặt vấn đề, đi đến đâu các dự án xã hội hóa đều được đánh giá cao, đều được hoan hô nhưng đối chiếu với lại mục tiêu Đề án 100 “đẩy mạnh xã hội hóa y tế của TP Hà Nội giai đoạn 2009-2015” thì mới thực hiện được 10%. “Hay như thế, nhưng tại sao không vào cuộc sống? Do cơ chế chính sách? chủ trương hay thực hiện? Vai trò, trách nhiệm của Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện như thế nào?”, ông Hoạt đặt một loại câu hỏi?

Theo Đoàn Giám sát HĐND TP, bệnh nhân đang bị áp đặt giá dịch vụ hay bị thu nhiều loại giá khác nhau. Có tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua vật tư tiêu hao, không đúng với Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn có tình trạng đầu tư trang thiệt bị y tế không đầy đủ, phải phụ thuộc vào thiết bị xã hội hóa. Không những thế, Thanh tra Chính phủ kết luận, Đề án “Nhà ăn dinh dưỡng” của bệnh viện này liên kết với Công ty Cổ phần Kiến trúc mỹ thuật Hà Nội trình tự thủ tục không đúng Thông tư số 15, không phải đề án thu hút xã hội hóa. “Vấn đề này Sở sẽ giải quyết như thế nào? Trách nhiệm của Sở ra sao?”, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội chất vấn.

Giải trình với Đoàn Giám sát, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, “đây là vấn đề khó, không thể trả lời hết được các câu hỏi của Đoàn Giám sát. Mục tiêu của Đề án chưa thực hiện được có trách nhiệm của Sở khi không tính được các rủi ro khi thực hiện. Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến của Đoàn để tập trung giải quyết, bao gồm cả khiếu nại, tố cáo của các bệnh viện”.

Riêng những bất cập trong việc tính toán chi phí giữa nhà đầu tư và bệnh viện (liên quan đến quyền lợi của 3 nhà: Nhà đầu tư, bệnh viện và bệnh nhân), ông Hiền cho biết, cũng có trách nhiệm của Sở. Tới đây, sẽ lập các dự án vay vốn ngân hàng vì vay vốn các cán bộ có thể nhanh nhưng dễ bị lạm dụng nên Sở Y tế không khuyến khích.  

Chỉ đạo chưa sát, hướng dẫn chưa cụ thể, chính sách chưa đồng bộ

Công tác xã hội hóa công tác y tế là chính sách mới, bước đầu tiếp cận nên triển khai chưa đồng bộ và hiệu quả. Việc xác định đúng giữa tính chất góp vốn (nhà cửa, đất, thương hiệu bệnh viện…) với cách thức sử dụng mặt bằng tại đơn vị trong liên doanh liên kết gặp khó khăn nên công tác định giá, xác định giá trị tài sản Nhà nước để tính giá trị đối ứng vào đề án xã hội hóa chưa được chặt chẽ.

Trao đổi lại, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt chỉ rõ, những kết quả đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội, còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân quan trọng nhất là do quản lý Nhà nước, chỉ đạo chưa sát sao, hướng dẫn chưa cụ thể, đặc biệt cơ chế chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ. “Các nhà đầu tư không tiếp cận được, nếu tiếp cận được thì không biết thực hiện như thế nào vì thiếu hướng dẫn… Các khó khăn vướng mắc mãi không giải quyết được”, ông Hoạt nói. 

Chung ý kiến, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác xã hội hóa tại các bệnh viện công lập có những kết quả đáng ghi nhân nhưng mới chỉ là bước đầu. Nếu biết khai thác hết các tiềm năng thì hiệu quả còn lớn hơn rất nhiều. 

Theo bà Thanh, qua giám sát phát hiện, một số đề án đầu tư chưa đúng danh mục theo Đề án của HĐND; mới quan tâm đến lĩnh vực dễ đầu tư mà chưa quan tâm đến lĩnh vực mũi nhọn. Đặc biệt, tài sản của Nhà nước mang liên doanh liên kết chưa được tính hoặc chưa được tính hết vào chi phí, giá dịch vụ. Một số bệnh viện để nhà đầu tư tự tính toán chi phí, phân chia lợi nhuận không đúng quy định; hạch toán chưa công khai minh bạch…. dẫn đến khiếu nại, tố cáo. 

Bà Thanh nêu rõ, mỗi nơi một giá dịch vụ y tế, cùng một thiết bị mắt nhưng chúng tôi đi 3 bệnh viện thì 3 bệnh viện phân chia tỷ lệ khác nhau. Hơn nữa, việc khấu hao thiết bị rất lớn, có bệnh viện mới 3 năm đã khấu hao xong. “Nhà đầu tư được lợi, phải chăng chính bệnh nhân chịu thiệt?”.  Vì vậy, cần sớm kiến nghị với Bộ Y tế để có giá trần dịch vụ y tế xã hội hóa; quy định rõ quyền, trách nhiệm của các bên liên quan …

Tuần tới, Đoàn Giám sát sẽ làm việc với UBND TP Hà Nội để có kết luận chính thức về vấn đề này.  

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm