Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều dịch bệnh mùa hè có xu hướng gia tăng

Phương Anh

Thứ hai, 15/07/2024 - 22:22

(Thanh tra)- Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, hiện nay, một số dịch bệnh lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Ảnh: PV

Cả nước hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều. Đồng thời, đây cũng là cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè gia tăng, nhất là với sởi và sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại các quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 30 ổ dịch, hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện trên, kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vượt ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Hà Nội cũng đã ghi nhận 31 ca mắc tay chân miệng, hầu hết là ca tản phát, không có tử vong. Cộng dồn đến nay, ghi nhận 1.656 ca mắc, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với bệnh bạch hầu, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, trước tình hình tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang có bệnh nhân mắc bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn về giám sát, phòng chống và điều trị dự phòng bạch hầu cho các trung tâm y tế và các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo, dù số ca bệnh truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm 2024 của khu vực phía Nam không cao nhưng sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới.

Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang có số ca mắc sởi trong cộng đồng cao.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tại khu vực phía Nam, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở mức thấp, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm trước.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế, các địa phương không nên chủ quan bởi trong những tháng tới khu vực phía Nam bước vào mùa mưa, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có những diễn biến khó lường.

Về tình hình bệnh dại, TP Hồ Chí Minh đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có ổ dịch chó dại gia tăng.

Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, dịch sốt xuất huyết cũng đang tăng cao. Tại Đắk Nông, đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, có 1 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận 2.162 ca mắc sốt xuất huyết, đã có ca tử vong… Theo dự báo của các địa phương, dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài, lan rộng, tăng số ca nặng…

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, tại công điện mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

“Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai”, Bộ Y tế lưu ý.

Cùng với công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương bảo đảm tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Mặt khác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm