Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phú Quốc: Cầm đèn chạy trước… thanh tra?

Thứ ba, 03/07/2018 - 15:10

(Thanh tra)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, gần 2 tháng qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc. Trong khi kết luận thanh tra chưa công bố thì lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã vội vã kết luận rằng việc tách thửa do chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế đất nông nghiệp tại Phú Quốc không vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Dự án phân lô trên đất nông nghiệp tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, phía sau là ranh đất rừng phòng hộ. Ảnh: TD

Né tránh sự thật

Trước khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, các văn bản của nhiều bộ, ngành Trung ương đã chỉ rõ tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn ra phức tạp, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Các hành vi phổ biến là phân lô bán nền dưới hình thức san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp, trách nhiệm quản lý Nhà nước chưa đầy đủ khi tiến hành thủ tục tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được chia tách.

Trong thực tế đã có hàng trăm khu đất nông nghiệp, thậm chí là đất chưa phân định được là đất lâm phần hay đất trồng cây lâu năm đã được nhiều đối tượng chặt trắng tất cả các loại cây trồng để tiến hành cắm cọc phân lô, chuyển nhượng với số tiền hàng tỷ đồng/lô. Để có đường ra vào các phần đất phân lô này, nhiều đầu nậu đã ngang nhiên đấu nối với các tuyến đường chính, tạo ra nhiều điểm đen về giao thông, nhiều đoạn suối cũng bị san lấp để lấy mặt bằng xây dựng nhà kiên cố không có giấy phép xây dựng. Vì vậy, không khó để nhận ra hàng chục con đường bê tông chạy luồn sâu vào phía rừng phòng hộ, thậm chí dẫn vào vùng đệm của Vườn Quốc gia Phú Quốc, đến cuối đường là những khu đất vuông vức, có cột rào xi măng với tấm bảng bán đất công khai.

Điều khó hiểu là hầu hết các khu đất này vẫn là đất trồng cây lâu năm nhưng việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng cho khách hàng vẫn lọt lưới dù theo quy định pháp luật thì hình thức phân lô, bán nền bị nghiêm cấm. Để lách luật, các doanh nghiệp và đầu nậu tại Phú Quốc đã sử dụng hình thức cho tặng, thừa kế đi kèm với hợp đồng mua bán giấy tay. Hệ quả là Nhà nước thất thu thuế, quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ, giá đất tăng cao gây ra hàng loạt hệ lụy cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Phú Quốc, tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Ngay cả tại nhiều dự án lớn cũng phát sinh hiện tượng “phân lô, bán nhà” dù quy định của Luật Đất đai 2013 không cho phép sử dụng đất du lịch, đất dịch vụ để xây biệt thự biển, nhà phố để chuyển nhượng vì sẽ phát sinh căn hộ ở, ảnh hưởng đến quy hoạch chung.

Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chỉ thị để chấn chỉnh hiện tượng phân lô, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại Phú Quốc. Nhưng đây là việc làm quá muộn khi cơn sốt đất đã đạt đỉnh và đã hạ sốt, vì các đối tượng đầu cơ đã thu đủ lợi nhuận và bỏ lại hàng trăm khu đất loang lổ cỏ dại. Hậu quả là những người mua sau cùng phải gánh chịu khi bỏ tiền tỷ mua đất nông nghiệp với giá đất ở, cũng như các hộ dân đã sinh sống nhiều đời tại Phú Quốc muốn chia tách đất cho con cháu nhưng không được giải quyết vì văn bản tạm ngừng thực hiện các thủ tục liên quan đến đất nông nghiệp do lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang ban hành theo kiểu không quản lý được thì cấm.

Lại vẽ đường cho… hươu chạy

Ngày 7/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định số 1061/QĐ-UBND về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, hành vi lấn, chiếm đất và hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn huyện Phú Quốc. Sau khi kiểm tra tại buổi làm việc chiều 21/6/2018 dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, kết quả kiểm tra lại rất khả quan là: Về lĩnh vực đất đai, đoàn kiểm tra rà soát lại các trường hợp tách thửa đất nông nghiệp, đất ở đô thị, việc tách thửa do chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế không vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể từ ngày 19/5 - 20/6/2018, qua kiểm tra tại hai xã Cửa Dương và Dương Tơ, Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 31 trường hợp vi phạm làm đường bê tông trên đất nông nghiệp với diện tích hơn 58.000m2, có 15 trường hợp lấn chiếm đất suối tại xã Dương Tơ…

Điều bất ngờ là, kết quả báo cáo này lại được lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang ghi nhận và đánh giá cao, kèm theo một nội dung chỉ đạo rất chung chung là: “Các ngành chức năng, chính quyền các xã, thị trấn huyện Phú Quốc cần quản lý đất đai chặt chẽ hơn. Các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tập trung giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ; tăng cường kiểm tra tình trạng lấn, chiếm đất rừng và hoạt động kinh doanh bất động sản để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm”. Ngay sau đó, nội dung buổi làm việc này đã được cổng thông tin của Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đăng tải công khai.

Vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc tại xã Gành Dầu cũng mọc lên nhiều dự án phân lô nhà đất. Ảnh: TD

Những dấu hiệu này cho thấy sự thật đã không được nhìn thẳng để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch đất nông nghiệp tại Phú Quốc bị xé nát. Vì rằng giữa tháng 6/2018, tại hội thảo về phát triển bền vững thị trường bất động sản được UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ rõ hàng loạt dấu hiệu bất thường tại Phú Quốc. Đó là tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã tạo ra hiện tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến cho thị trường này thiếu minh bạch, gây thất thu cho ngân sách. Nhiều nhà đầu tư đến Phú Quốc với mục tiêu “đi trước đón đầu” để kiếm lời nên dẫn đến hiện tượng “sốt đất ảo”. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại huyện đảo Phú Quốc trở nên phức tạp, mất kiểm soát. Tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng đã và đang diễn ra, các giao dịch quyền sử dụng đất chính thức và không chính thức ngày một tăng cao.

Theo ông Lộc đã có những hạn chế, yếu kém, trong công tác điều hành, quản lý của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chính quyền địa phương. Trong đó cố hữu là việc không thực hiện thông tin, tuyên truyền, không công khai quy hoạch, công bố dự án… dẫn đến người dân mù mờ thông tin, hiểu biết không đầy đủ, dễ dàng tiếp nhận thông tin giả về giá đất. Công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng của các cơ quan được giao chức trách nhiệm vụ không được thực hiện thường xuyên, chỉ chạy theo sự vụ, sự việc; công tác hậu kiểm, xử lý chưa nghiêm nên chấn chỉnh không kịp thời.

Thảo Du

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều sở cho phép Công ty STO tiếp tục triển khai dự án

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều sở cho phép Công ty STO tiếp tục triển khai dự án

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký Công văn số 9479 về việc tổ chức thực hiện một số nội dung tại kết luận của Chánh Thanh tra tỉnh về thanh tra toàn diện Dự án (DA) Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư nông nhiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao, du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Ngọc Phó

18:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm