Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nỗ lực triển khai bệnh án điện tử

Phương Anh

Thứ hai, 09/09/2024 - 13:18

(Thanh tra) - Theo đánh giá, việc triển khai bệnh án điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành Y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Hiện, Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai các giải pháp tối ưu, hiệu suất cao thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo quy định của Bộ.

Khi triển khai bệnh án điện tử, người bệnh không phải mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh. Ảnh: PV

Ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế.

Khi triển khai bệnh án điện tử, người bệnh không phải mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh; quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, để chủ động hơn trong phòng và chữa bệnh. Bệnh án điện tử cũng giúp giảm thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết xấu của bác sĩ.

Ngoài ra, bệnh án điện tử cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet, tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Thực tế, tại các bệnh viện đã triển khai, mô hình bệnh án điện tử đã thể hiện được lợi ích cả với người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất khiêm tốn. Tính đến ngày 8/9, chỉ có 96 bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Theo ông Trần Quý Tường, việc triển khai bệnh án điện tử diễn ra chậm trên cả nước có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân, giám đốc các bệnh viện chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

Mặc khác, khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại.

Do chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo các chuyên gia trong ngành, các vấn đề khó khăn trong triển khai bệnh án điện tử đang được ngành Y tế bóc tách và tháo gỡ. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của bệnh án điện tử trong hoạt động khám, chữa bệnh thì những khó khăn ngay cả khi cơ sở y tế đã đưa bệnh án điện tử vào hoạt động cũng cần tìm giải pháp.

Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Theo Thông tư 46/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 28/12/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2019. Theo lộ trình, từ năm 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị và triển khai phù hợp. Từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy nhằm tạo thuận lợi, phục vụ người bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được, các bệnh viện cần có sự đồng bộ về cơ sở vật chất, các thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu trữ và bảo mật thông tin của người bệnh. Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả, đòi hỏi giữa các bệnh viện và đối tác công nghệ phải lên phương án và thực hiện đúng lộ trình.

Nhận thấy rõ vai trò, lợi ích của hồ sơ sức khỏe điện tử đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND TP Hà Nội, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID thí điểm tại TP Hà Nội.

Trong đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ việc thiết lập hồ sơ sức khỏe thông qua ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh chuyển dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ dữ liệu cho TP Hà Nội.

Trên cơ sở đánh giá thành công của Hà Nội, Bộ Y tế đã ban hành sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử, gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi…

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiện Bộ Y tế tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện, triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật thường xuyên, lưu lại thông tin về tình trạng sức khỏe người dân trong suốt cuộc đời.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm