Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở số 2 đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM.

Trước năm 1975, đây là Trường Cao đẳng Quốc phòng, nơi đào tạo các sĩ quan cao cấp cho chính quyền Sài Gòn.

Sau năm 1975, nơi đây đã trở thành phòng trưng bày chuyên đề về Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 11/12/2020, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang đã ký quyết định đặt dấu mốc nâng Phòng Trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Quân khu 7 quản lý.

Chiến dịch Hồ Chí Minh trước đó có tên là Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đặt tên Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Việc quyết định đổi tên chiến dịch khẳng định ý chí quyết chiến, quyết thắng với các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, để giải phóng thành phố trung tâm đầu não ngụy Sài Gòn…

leftcenterrightdel
 Một góc của bảo tàng trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật tư liệu về Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ảnh: Chu Tuấn
 

Hiện nay, Bảo tàng có 2 khu trưng bày gồm: Khu ngoài trời trưng bày bộ sưu tập pháo phòng không của các đơn vị tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và bộ sưu tập xe quân sự; đặc biệt là tượng đài chiến thắng 30/4. Khu trong nhà được dành để trưng bày hàng trăm hiện vật gốc, ảnh tài liệu và tài liệu khoa học.

Các hiện vật, tài liệu được trưng bày trong nhà được bố trí thành 6 chuyên đề: Từ Hiệp định Paris đến chiến thắng Phước Long; Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng; Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng sa bàn diễn biến chiến dịch gồm 64 m²; Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và chế độ Ngụy quyền miền Nam sụp đổ.

Đến thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, du khách sẽ có cơ hội được tận mặt cảm nhận những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh; nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 qua các chiến dịch tiêu biểu, như Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Ngoài ra, tại bảo tàng còn trưng bày những hình ảnh phản ánh sức mạnh tinh thần, sức mạnh của quần chúng nhân dân, nghệ thuật toàn dân đánh giặc diễn ra ở các địa phương từ nông thôn, thành thị, rừng núi và đồng bằng trong địa bàn tác chiến chiến dịch, tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975…

Điểm nổi bật nhất khi đến thăm bảo tàng có lẽ là sa bàn điện tử, kết hợp với tivi màn hình lớn đặt ngày ở phòng trưng bày trung tâm, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch thông qua các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

leftcenterrightdel
 Trong những năm qua, nhân viên thuyết minh bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, bảo đảm an toàn hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Ảnh: Chu Tuấn
 

Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tiếp cận những hiện vật tiêu biểu như:

Bản kế hoạch nghi binh của Trung tá Khuất Duy Tiến, Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3 xây dựng, tổ chức nghi binh, giấu đi hướng tiến công chủ yếu khiến địch bất ngờ, mất quyền chủ động đối phó, tạo đòn tiến công chiến lược giải phóng Tây Nguyên diễn ra đúng kế hoạch, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Ống nhòm của đồng chí Nguyễn Chơn, Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5 đã sử dụng quan sát và chỉ huy bộ đội chiến đấu giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tháng 3/1975.

Quốc kỳ do Chi bộ xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sử dụng trong các buổi họp chỉnh huấn Đảng, xuống đường đấu tranh năm 1968 và dùng trong cuộc tiến công và nổi dậy giành chính quyền giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, tháng 3/1975.

Bản nhạc và lời bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” do Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam sáng tác và được phát sóng lên vào ngày 30/4/1975 - đúng thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc liền một dải.

leftcenterrightdel
Khu ngoài trời của bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật như máy bay, pháo phòng không, xe quân sự... tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Chu Tuấn 
 

Đặc biệt, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh còn trưng bày hai bảo vật quốc gia, đó là sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh do các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương ghi lại những khoảnh khắc hào hùng và anh dũng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15/4/1975 đến ngày 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước. Bản đồ có chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Chiến dịch.

Chu Tuấn