Khoảng 3 tháng trở lại, hai bộ phim truyền hình là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử gây bão màn ảnh Việt. Theo số liệu mà hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình cung cấp thì đây cũng là hai bộ phim truyền hình có rating cao nhất tại khu vực Hà Nội. Thị phần khán giả theo dõi bình quân mỗi lượt phát sóng đạt khoảng 30-40%.

Rating cao luôn kéo theo sự quan tâm của các nhãn hàng, doanh nghiệp. Chia sẻ với Zing.vn, đại diện của một công ty truyền thông và quảng cáo - đơn vị chuyên làm công việc trung gian giữa doanh nghiệp và Trung tâm Quảng cáo của VTV - cho biết chưa bao giờ khung giờ vàng của VTV (không tính thứ bảy, chủ nhật) lại "đắt giá" và được săn đón đến thế.

Phim truyen hinh mien Bac da kiem duoc tien ty tren gio vang VTV hinh anh 1

Bỗng dưng muốn khóclà bộ phim hiếm hoi được yêu thích trong giai đoạn xã hội hóa phim truyền hình.

Phim Việt được ưu ái trên giờ vàng như thế nào?

Kể từ tháng 7/2010, theo quy định mới của Luật Điện ảnh sửa đổi thì tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Thời gian chiếu phim là vào khung giờ vàng, tức khoảng 2 tiếng, từ 20-22h trong ngày.

Để chủ động nguồn phim, ngoài việc tự sản xuất, các đài truyền hình trong đó VTV đã mở cửa xã hội hóa. Các đơn vị phim tư nhân, các công ty truyền thông đã tích cực tham gia vào việc sản xuất phim để đáp ứng chủ trương này.

Do vậy, khoảng 7 năm trở lại đây, chưa bao giờ thị trường phim truyền hình Việt Nam lại trở nên sôi động như thế. Số lượng phim tăng lên đáng kể về mặt số lượng, nhiều đề tài phong phú hơn. Không thiếu phim để phát sóng đã đành, những đài lớn như VTV thậm chí còn có những phim quay 3-4 năm vẫn mòn mỏi chờ ngày được lên sóng.

Phim truyền hình Việt được chiếm phần lớn thời lượng giờ vàng trên các kênh chính của VTV như khung giờ 20h-22h trên VTV1, 21h-23h trên VTV3, 19h45-21h45 trên VTV9. Trong đó, khung 20h trên VTV1 thường dành cho những bộ phim có hơi hướm chính luận. Khung 21h trên VTV3 lại thường phát những phim về tình yêu.

"Trăm hoa đua nở", "nhà nhà làm phim". Thế nhưng, số lượng lại không đi kèm với chất lượng. Những phim nhận được khen ngợi của công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí, Ma làng...

Chất lượng của số phim còn lại được đánh giá là chỉ dừng ở mức độ "đồng", nếu không muốn nói là "chì", "kẽm". Những kịch bản cũ rích, cùng diễn xuất yếu kém của dàn ca sĩ, người mẫu đã khiến phim bị thất thế.

Nói như đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì đó là khoảng thời gian, hoạt động sản xuất phim truyền hình diễn ra ồ ạt. Các đơn vị sản xuất phim tư nhân, mà thực chất là các công ty truyền thông, lấy tiêu chí tạo ra lợi nhuận, bán quảng cáo nên không coi trọng giá trị nội dung của phim.

Chất lượng phim truyền hình giảm sút, kéo theo là sự thờ ơ của khán giả. Dần dần, các doanh nghiệp cũng không còn mặn mà bỏ tiền để mua quảng cáo giờ vàng. Giá quảng cáo trong phim truyện của Đài truyền hình sụt giảm. Các công ty tư nhân bắt đầu chuyển sang đầu tư cho game show, truyền hình thực tế. Phim truyền hình Việt bước vào giai đoạn bế tắc.

Giờ vàng đã phải đợi quá lâu để có 'vàng'

Nhận thấy tác hại của những bộ phim "mì ăn liền", vừa khiến khán giả quay lưng, vừa lãng phí giờ vàng và không mang lại lợi nhuận, VTV bắt đầu chú trọng đầu tư cho phim truyền hình, không chỉ ở kịch bản, diễn viên mà còn ở công nghệ làm phim.

Máy móc, thiết bị, đến kỹ năng làm phim đều được cải tiến và nâng cao. Từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K.

Nhờ sự đầu tư này, chất lượng phim truyền hình đã có sự chuyển mình rõ rệt. Những bộ phim Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Zippo Mù tạt và em là minh chứng cho sự thay đổi về chất lượng của phim "made in Vietnam".

Rating tăng, khán giả quan tâm, thời lượng quảng cáo trong phim bắt đầu được các doanh nghiệp săn đón. Theo bảng giá niêm yết trên website của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV, trong thời gian phát sóng phim Tuổi thanh xuân phần 2, khung giờ C16.6, tức từ 21h30-22h30, giá quảng cáo là 160 triệu đồng/ 1 block 30 giây. Đây là con số mà phim truyền hình trước đó khó đạt được.

Đặc biệt, với sức nóng của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, VTV được cho là thu về tiền tỷ mỗi tập phát sóng. Các doanh nghiệp muốn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong thời lượng phim lên sóng phải trả giá cao chưa từng có. Nhưng nếu rút ra, ngay lập tức có doanh nghiệp khác nhảy vào.

Phim truyen hinh mien Bac da kiem duoc tien ty tren gio vang VTV hinh anh 3

Giá quảng cáo 2 tập cuối củaSống chung với mẹ chồnglà 180 triệu/ 30 giây. Ảnh:VFC.

Theo bảng giá chính thức của Trung tâm quảng cáo VTV, những bộ phim trước Sống chung với mẹ chồng, phát sóng vào khung giờ vàng 20h45-21h35 trên kênh VTV1, các ngày từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần, mức giá quảng cáo chỉ dừng lại ở 75 triệu đồng/ 1 block 30 giây (150 triệu đồng/1 phút).

Nhưng với sức nóng của Sống chung với mẹ chồng, bảng giá mà đơn vị này đã có sự thay đổi. Quảng cáo trong khung giờ phim khác, phát sóng thứ 2, thứ 3 vẫn giữ nguyên 75 triệu/ 30 giây. Nhưng riêng phim Sống chung với mẹ chồng, giá quảng cáo cao hơn.

Đặc biệt, giá quảng cáo 2 tập cuối của Sống chung với mẹ chồng, khung giờ B6.1, phát sóng thứ 5, thứ 6 tuần vừa rồi, giá quảng cáo lên tới 180 triệu/ 30 giây (bảng giá cập nhật ngày 23/6 của VTV), 360 triệu đồng/ 1 phút. Với 10 phút quảng cáo xen giữa giờ phát sóng phim, VTV đã có 3,6 tỷ đồng.

Giá quảng cáo trong phim Người phán xử, khung giờ 21h45 - 22h45 trên VTV3 vào thứ 4,5 hàng tuần cũng thay đổi đáng kể. Một nguồn tin cho biết báo giá hiện tại tăng khoảng 20-30% so với thời gian trước đây.

Với mức giá 140 triệu/ 1 block 30 giây, 10 phút quảng cáo trong khung giờ vàng phát sóng phim Người phán xử, VTV đã có thể thu khoảng 3 tỷ đồng (chưa kể những quảng cáo chạy banner).

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng giờ vàng của VTV đã kiếm được vàng thật nhờ 2 bộ phim truyền hình gây sốt là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.

Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)