Theo kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ ký ngày 24/8/2023 về tăng cường việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xác định rõ vai trò, trách nhiệm chủ trì và phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làm cơ sở để thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, đến hết tháng 6/2023 toàn tỉnh tập trung điều tra, đánh giá lập phương án xử lý, kiểm soát, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đối với 946/954 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tiến hành xử lý được 120 điểm, 148 điểm phải lập dự án xử lý, phương án kiểm soát ô nhiễm và 76 điểm phải tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết.

Đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung không thuộc khu kinh tế. Toàn tỉnh có 12/24 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung; 64/182 làng nghề được UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng. 61/77 cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường, theo kế hoạch này, các cơ quan đơn vị cần tăng cường thực hiện các nội dung như: 

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, các điểm gây ô nhiễm kéo dài, các vấn đề trọng điểm về môi trường; rà soát, ban hành quy định khuyến khích, huy động, tổ chức thực hiện xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu về xử lý các loại rác thải sau phân loại tại nguồn. 

Tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường thông qua việc thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ; cập nhật hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về môi trường, kết nối liên thông. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định. 

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường; tổ chức thẩm định, phê duyệt chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ các thủ tục môi trường theo đúng quy định. Tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. 

Đức Anh