Khoảng 15% đất được giao cho đồng bào DTTS

Theo thống kê, trước năm 1980, diện tích DTTS đất nông nghiệp, đất rừng rất lớn, mật độ dân số rất thấp, các gia đình đồng bào đều có đất ở, đất sản xuất do tự khai hoang, phục hóa, hoặc do chính quyền cấp. Thời gian từ năm 1976 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc quản lý, sử dụng đất của các hộ DTTS có những biến động, xuất hiện ngày càng nhiều hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đồng bào ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 7/2020, Bộ TN&MT đã có báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề. Trong đó, về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội với cho thấy, từ khi triển khai các nghị quyết Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng giải quyết tồn tại, vướng mắc; nâng cao hiệu quản lý và sử dụng đất đai đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như cả nước.

Tuy vậy, công tác quản lý đất đai hiện vẫn chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để toàn bộ diện tích đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Theo thống kê, hiện cả nước mới thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được phần đất giữ lại của 252 công ty nông, lâm nghiệp với diện tích 2.018.879ha; mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất…

Về chuyển đổi xây dựng phương án sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp, một số công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng đất không cao nhưng chưa có phương án giải thể; việc quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp vẫn chưa thực sự đổi mới về mô hình tổ chức sản xuất và quản trị doanh nghiệp mà vẫn áp dụng các hình thức cho thuê đất, giao khoán, cho mượn, liên doanh liên kết.

Bộ TN&MT cũng cho biết, diện tích các nông, lâm trường dự kiến bàn giao về địa phương theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 là 465.029ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương từ trước đến nay đạt 1.086.594ha theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha.

Trong đó, UBND các tỉnh đã có quyết định thu hồi tại 120 công ty với diện tích là 237.715ha, chiếm 22% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương; đã xây dựng phương án sử dụng đất là 158.046ha, bằng 67% tổng diện tích đã thu hồi trong đó phương án giao cho hộ gia đình cá nhân là 10.983 ha, giao cho tổ chức là 57.312ha; chuyển toàn bộ công ty thành ban quản lý rừng phòng hộ 89.751ha.

Đặc biệt, phần diện tích chưa có phương án (tạm giữ lại chưa giao) là 928.548ha, bằng 85% tổng diện tích dự kiến bàn giao về địa phương.

Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý. Đến nay, tỷ lệ đất được giao cho đồng bào DTTS, người dân địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất còn đạt mức thấp (khoảng 15%); phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây, hoặc đất cấp mới ở xa, đất xấu không thuận lợi cho việc sản xuất…

Tạo quỹ đất để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào  

Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 09 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trong đó, đất nông, lâm trường bàn giao cho địa phương cần tiếp tục giải quyết theo hướng ưu tiên bố trí cho đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

Thông tư nêu rõ các bước xử lý quỹ đất bàn giao cho địa phương sẽ do sở TN&MT chủ trì tổ chức đo đạc xác định cụ thể quỹ đất bàn giao cho địa phương theo đề án hoặc phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp, phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

UBND cấp tỉnh phê duyệt nội dung phương án sử dụng đối với quỹ đất bàn giao cho địa phương phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất của địa phương và đảm bảo các nguyên tắc như: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy định của pháp luật đất đai về phân loại đất, đối tượng sử dụng đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất.

Trước đó, tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 15/11/2015 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, Bộ TN&MT cũng kiến nghị với Hội đồng Dân tộc báo cáo Quốc hội bố trí ngân sách để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13; đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường tại địa phương.

Đặc biệt, để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào DTTS, Bộ TN&MT đề xuất cần nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ. Trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cách sản xuất hiệu quả, có việc làm và thu nhập từ sản xuất tại địa phương.

Các bộ, ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động rà soát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cơ chế chính sách như tài chính, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ,…

Riêng lĩnh vực đất đai, ngoài các quy định hiện hành trước mắt cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo quỹ đất sản xuất và hạn chế tình trạng giao dịch đất đai bất hợp pháp đã được Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào DTTS.

Các địa phương tiếp tục xây dựng phương án tạo quỹ đất để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thông qua việc rà soát đất có khả năng khai hoang, phục hóa trên địa bàn từng xã; rà soát quỹ đất sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường, ban quản lý rừng để bàn giao lại cho địa phương quản lý, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Ưu tiên dành phần đất giao cho các hộ dân, đặc biệt là người DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; nghiên cứu, bổ sung hình thức phá sản đối với các công ty nông, lâm nghiệp và giải thể, chuyển đổi mạnh mẽ đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Đồng thời, rà soát, ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào DTTS, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập như tăng mức khoán bảo vệ trong thực hiện dịch môi trường rừng, thí điểm và triển khai dịch vụ phát thải khí các bon để tăng nguồn thu cho các địa phương có rừng và người dân.

 

Thái Hải