Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối ngày 4/7. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin về việc thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông Nguyên Đức Chi, nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả. Bộ sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

“Việc này không phải khi có nghị quyết của Quốc hội, chúng tôi mới làm mà đây là chức năng và nhiệm vụ”, ông Chi cho hay, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai công tác thanh tra.

Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Nhiều thông tin chi tiết đã được Bộ Tài chính công bố công khai.

“Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố”, ông cho biết.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch là từ đầu năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tới hết năm 2023, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ông Chi thông tin.

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, bộ sẽ tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

“6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm.

Gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy

 Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn trả lời câu hỏi về tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy.

Để giải quyết các vướng mắc liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, ông Văn cho biết, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát một cách có hệ thống, từ luật, nghị định hướng dẫn đến các văn bản pháp lý có liên quan.

Theo thống kê, liên quan đến phòng cháy chữa cháy hiện có 9 quy chuẩn và 52 tiêu chuẩn.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Văn nhấn mạnh việc cấp bách là tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho công trình hiện hữu nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm hoạt động.

“Bộ Công an đã rà soát tất cả công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra 1,18 triệu cơ sở, còn khoảng 38.000 công trình đã đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy”, ông Văn nói, việc các công trình này phải dừng hoạt động ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi, cung ứng hàng hóa và việc làm cho người lao động.

Để tháo gỡ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần đưa ra giải pháp về tăng cường, bổ sung điều kiện phòng cháy, chữa cháy cho các công trình này để sớm đi vào hoạt động.

Theo ông Văn, Bộ Xây dựng và Bộ Công an xã phối hợp xây dựng nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các công trình còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Tờ trình dự thảo nghị quyết này đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ.

Hương Giang