Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm, báo cáo lộ trình cải cách tiền lương vào cuối năm

Hương Giang

Thứ bảy, 24/06/2023 - 17:58

(Thanh tra) - Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Chiều 24/6, trong phiên bế mạc, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chung của kỳ họp 5.

Tại nghị quyết được thông qua, Quốc hội đánh giá, những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống tinh thần, vật chất của người dân tiếp tục được quan tâm, cải thiện.

Quốc hội lưu ý, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hoạt động của các thị trường, nhất là thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và người lao động mất việc làm tăng. Tình trạng mất điện, cắt điện diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân…

“Đặc biệt, tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội”, nghị quyết nêu rõ.

Sớm có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

 Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.

Trong đó, tập trung bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Chính sách tài khóa phải điều hành có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Song song là chính sách tiền tệ phải được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản thực hiện đồng bộ.

Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chính phủ phải chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời xử lý thu hồi về ngân sách Nhà nước các khoản thu, chi không đúng quy định đã được kết luận, kiến nghị.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm, cũng là vấn đề Quốc hội yêu cầu.

Nghị quyết nêu rõ, phải “sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Ngoài ra, Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới và việc bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy; có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động…

Giảm thuế VAT 2%, tăng vốn điều lệ cho Agribank

Cũng tại nghị quyết kỳ họp, Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay.

Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới dự toán thu, bội chi ngân sách 2023; báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6, vào cuối năm nay.

Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Agribank, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Trong đó, năm nay, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70 ngày 11/11/2022. Số tiền còn lại 10.347 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước vào năm 2024.

Chính phủ được giao chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm