Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Có ý kiến đề nghị giảm thuế VAT 4% để “khoan thư sức dân”

Hương Giang

Thứ tư, 24/05/2023 - 15:36

(Thanh tra) - Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tán thành với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT 4% để "khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình kỳ họp 5, chiều ngày 24/5, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đề xuất giảm thuế VAT, chỉ áp dụng 6 tháng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% về 8% (giảm 2%); áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay, bắt đầu từ 1/7.

Việc giảm thuế VAT 2% này không áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất này của Chính phủ nhận được tán thành của đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối nay có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng, do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian để bảo đảm ổn định, và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% vì hiện nay “các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn”.

Cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách; đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước…

Cần giải trình cụ thể phương án bù đắp khoản giảm thu ngân sách

Chính phủ tính toán, áp dụng giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến ngân sách giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ còn dự kiến thời gian tới sẽ xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023; làm giảm thu ngân sách khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.  Chính sách giảm tiền thuê đất năm 2022 được điều chỉnh lại với 3,5 nghìn tỷ đồng sẽ được bù trừ vào số thuế phải nộp của năm 2023.

Những khoản giảm thu trên không được dự kiến khi xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Vì vậy, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp để khắc phục và bù đắp các tác động giảm thu ngân sách 2023.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, các biện pháp Chính phủ đưa ra tập trung chủ yếu vào công tác quản lý nói chung như: tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng chưa được phân bổ…”

“Đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách Nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Theo chương trình kỳ họp 5, Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại tổ sáng mai (25/5) và ở hội trường vào chiều ngày 1/6.

Riêng quản lý thu thuế VAT, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ.

Điều này để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn với số thuế đầu vào đã nộp, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách. 

Báo cáo thẩm tra cho hay, hiện có những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ hiện đang bị tồn thuế VAT đầu vào chưa được hoàn theo quy định pháp luật lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm