Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp; đã triển khai, thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được giữ vững và ổn định.

Một trong những giải pháp là Bảo Yên đã thực hiện tốt các chính sách cho người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS, nhất là việc hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần. Nhân dịp Tết Nguyên đán, đã tổ chức thăm hỏi tặng quà với 175 suất quà, tổng trị giá 87,5 triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ NCUT bị ốm đau; thăm viếng động viên khi NCUT, thân nhân NCUT qua đời. Kịp thời lựa chọn 04 NCUT tiêu biểu đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.

Bảo Yên là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lào Cai, có 16 xã và 01 thị trấn với 209 thôn, bản, tổ dân phố. Toàn huyện có 11/16 xã đặc biệt khó khăn; 26 dân tộc cùng sinh sống trong đó người Tày chiếm 33,84%; người Mông chiếm 12,54%, người Dao chiếm 24,47% còn lại là các dân tộc khác.

Tổng hợp báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bình chọn, công nhận NCUT, chế độ, chính sách và vận động, phát huy vai trò NCUT trong đồng bào DTTS.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra thực hiện tốt việc nhận, chuyển phát các ấn phẩm báo cho các ngành, đoàn thể cấp xã theo đúng quy định, đồng thời chỉ đạo các đơn vị được cấp báo, tạp chí kịp thời tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc cho các hộ DTTS trên địa bàn xã, thị trấn.

Công tác tuyên truyền về các chính sách dân tộc đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. 

UBND huyện đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn (gọi tắt là BCĐ 498 huyện) giai đoạn 2021-2025 và phân công cho các thành viên BCĐ. Từ đó, BCĐ các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị tuyên vận, các buổi giao ban, sinh hoạt của các đoàn thể từ huyện đến xã, cán bộ thôn bản, các đoàn thể và hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên tham gia; các trường THCS, THPT đã đưa nội dung tuyên truyền vào các giờ học ngoại khóa.

leftcenterrightdel
Cánh đồng lúa vàng tại xã Nghĩa Đô. Ảnh: Gia Lâm 

Theo đó, rà soát và xử lý vi phạm các trường hợp tảo hôn trong năm 2021 là 24 người. UBND các xã đã xử lý phạt vi phạm hành chính 04 trường hợp; vận động được 04 trường hợp chấm dứt tình trạng sống chung với nhau như vợ chồng. Trong năm không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; có 79 nữ sinh con trước 18 tuổi.

Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, Luật Bình đẳng giới đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người dân được thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện mục tiêu kép "vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh"; tập trung phổ biến, tuyên truyền các luật khác... Nhờ đó, công tác TTPBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Huyện đã thực hiện rà soát, xác định nhu cầu đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 1.604.809 triệu đồng; được giao tổng số 20 danh mục công trình, khái toán tổng mức đầu tư 55.527 triệu đồng

Có thể thấy, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, các ngành, sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Các chương trình chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc đảm bảo công khai minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng đã phát huy được hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố.

Huy Minh