Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vai trò của nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH ở Việt Nam

Thứ năm, 13/09/2012 - 19:18

(Thanh tra) - Trong xã hội hiện đại, con người được coi là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, bởi phải có những con người đủ khả năng, trình độ mới có thể khai thác tốt các nguồn lực khác. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực (NNL) trở thành vấn đề chiếm vị trí trung tâm và là yếu tố chủ đạo trong hệ thống phát triển các nguồn lực của nhiều nước trên thế giới.

Ngày nay, trong xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, các quốc gia phát triển, cũng như đang phát triển đều vạch ra chiến lược, có những chính sách cụ thể nhằm phát triển NNL trong nước và thu hút NNL chất lượng cao từ các nước khác. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.

Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đất nước với nhiệm vụ trọng tâm là công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) gắn với kinh tế tri thức nhằm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Sự nghiệp đổi mới và CNH, HĐH mà Việt Nam đang tiến hành trong điều kiện mới có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của nguồn lực con người Việt Nam. Đó chính là sự đóng góp tích cực của mỗi con người, mỗi cộng đồng người, mỗi địa phương trên đất nước Việt Nam, trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS) - một bộ phận đặc biệt quan trọng cấu thành nguồn lực con người Việt Nam.

Vai trò của NNL vùng DTTS trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH ở Việt Nam hiện nay là:

Thứ nhất, nguồn nhân lực vùng DTTS là chủ thể thực hiện quá trình CNH,HĐH ở vùng DTTS và là chủ thể hưởng thụ những thành quả mà CNH,HĐH mang lại.

Đảng và Nhà nước ta đưa ra quan điểm, chính sách dân tộc nhất quán, rõ ràng: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Chính sách này được cụ thể hoá và đang từng bước đi vào cuộc sống, làm cho đồng bào vùng DTTS nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự nghiệp CNH, HĐH.

Chính vì vậy, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, vùng DTTS cùng với nhân dân cả nước đóng vai trò là chủ thể tích cực tham gia trực tiếp vào quá trình lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình CNH, HĐH; mà trước hết là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nơi địa phương đồng bào sinh sống, thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, định canh định cư, góp sức người, sức của vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; từng bước xoá bỏ phương thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục tình trạng chênh lệch quá lớn giữa vùng núi, vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng. Đây là vai trò quyết định thành công của quá trình CNH, HĐH ở vùng DTTS tập trung chủ yếu vào CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 

Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở vùng DTTS thực hiện tốt không chỉ thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động vùng DTTS, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào, mà còn là giải pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thay đổi dần tâm lý, thói quen cũ, lạc hậu; những phong tục tập quán cổ hủ vẫn tồn tại với các chế định đời sống của vùng DTTS từ bao đời nay, đồng thời đó cũng là cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng DTTS nói riêng.

Thứ hai, nguồn nhân lực vùng DTTS là chủ thể sáng tạo, giữ gìn, phát huy và hưởng thụ các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc của các tộc người, góp phần làm phong phú và đa dạng nền văn hoá chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá dân tộc có chiều sâu cội nguồn, có chiều dài lịch sử và chủ thể sáng tạo văn hoá rất thông minh, cần cù. Đó là kết quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của nguồn nhân lực vùng DTTS trong nền văn hoá chung.

Văn hoá mang tính dân tộc vì nó được sáng tạo, lưu truyền trong cộng đồng dân tộc với một sắc thái riêng và được kết tinh trong quá trình lao động, sản xuất: Phong cách truyền thống, khát vọng, thế giới tinh thần, tâm hồn, nhân cách của con người, thể hiện sức sống, trình độ phát triển của mỗi dân tộc.

Trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, việc tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại để bổ sung làm phong phú và phát triển nền văn hoá dân tộc theo hướng hiện đại, đang trở thành cơ hội của các quốc gia, các dân tộc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DTTS đang bị ảnh hưởng to lớn bởi xu thế “Kinh hoá”. Xu thế này tạo ra nguy cơ làm mất đi những nét văn hoá riêng, đặc trưng của một bộ phận DTTS, chẳng hạn: Nhà sàn không được xây dựng bằng vật liệu truyền thống là gỗ mà thay thế bằng những vật liệu mới (xi măng, sắt thép...); hay trang phục truyền thống đang ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ, thay vào đó là các bộ âu phục tiện dụng; một số phong tục, tập quán truyền thống như cưới hỏi, ma chay cũng dần mai một...

Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng DTTS trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị của từng dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vùng DTTS tiếp tục phát triển, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa mới.

Thứ ba, nguồn nhân lực vùng DTTS là chủ thể giữ gìn an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia và đấu tranh làm thất bại những âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch.

Xuất phát từ đặc điểm cư trú của vùng DTTS ở những địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt lại là những vùng biên giới giáp với các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đó là những nơi thông thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá nhưng cũng là địa bàn có nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Lợi dụng những vấn đề đó, trong những năm gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường tuyên truyền, kích động, lôi kéo nhân dân chống phá cách mạng; chúng đưa ra những tư tưởng dân tộc hẹp hòi, khoét sâu vào những vấn đề nhạy cảm như: Nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chính sách đất đai, sự chêch lệch về mức sống... âm mưu tổ chức bạo động lật đổ chính quyền, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong những năm qua, nhằm đấu tranh làm thất bại những âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch, Đảng ta chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để tiến hành CNH, HĐH đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng và quan điểm trên, Đảng ta đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Thứ tư, nguồn nhân lực vùng DTTS là chủ thể giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái vùng núi, vùng sâu, vùng xa, tạo ra sự phát triển bền vững.

Cũng như các quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề toàn cầu như: Vấn đề môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, gia tăng dân số... Biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng rừng nguyên sinh ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp về diện tích do nạn phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi, không đảm bảo tái sinh rừng liên tục, tình trạng du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, cháy rừng, sắn bắn thú rừng... đã xâm hại đến tài nguyên rừng một cách nghiêm trọng.

Những năm gần đây, diễn biến sự thay đổi khí hậu rất phức tạp và khó tiên đoán, những trận bão lớn, lũ quét lịch sử liên tục xảy ra ở nhiều vùng miền trên cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân. Thiên tai bão lũ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, làm cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng DTTS.

Vấn đề đặt ra hiện nay làm thế nào để có đất sản xuất, mở rộng phát triển công nghiệp, đảm bảo chất lượng dân số...  mà rừng không bị tàn phá, môi trường không bị xâm hại, tạo bước cho sự phát triển bền vững, tức là sự phát triển không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện nay mà còn không làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai.

Đảng và Nhà nước sớm nhận thức rõ tầm quan trọng và mối quan hệ gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và công tác bảo vệ môi trường. Để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong tình hình gia tăng dân số như hiện nay cần phải có những chính sách cụ thể, thiết thực: Định canh, định cư, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, giao đất giao rừng cho từng hộ gia đình để tự họ quản lý.

Nhìn chung, trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, NNL vùng DTTS đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đấu tranh chống các thế lực thù địch, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” và là lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Vì vậy, phát huy vai trò của NNL vùng DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Lương Bá Quang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm