Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP HCM, Hà Nội và 8 tỉnh giao vượt hơn 5.000 biên chế công chức

Hương Giang

Thứ hai, 17/10/2022 - 15:59

(Thanh tra) - Theo kết quả giám sát tối cao, cơ cấu tổ chức trong một số bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Tinh giản biên chế một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, có địa phương tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong giao chỉ tiêu biên chế…

TP HCM giao vượt 3.456 biên chế công chức. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: thanhnien.vn

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” gửi Quốc hội.

Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 và sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 4 (khai mạc vào ngày 20/10) tới đây.

Báo cáo kết quả giám sát có 93 trang, đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động.

Giảm 263.902 biên chế công chức, viên chức

Theo báo cáo, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế bước đầu thực hiện có hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu các Nghị quyết 19 của Đảng đề ra (giảm 10%).

Chỉ tiêu

Năm 2015

(người)

Năm 2021 (người)

Số biên chế

Số giảm so với năm 2015

Tỷ lệ giảm so với năm 2015 (%)

Biên chế công chức

275.252

247.722

27.530

10,01%

1. Bộ, ngành Trung ương

118.773

106.890

11.883

10,01%

2. Địa phương

156.479

140.832

15.647

10,0%

Biên chế viên chức

2.025.951

1.789.585

236.366

11,67%

1. Bộ, ngành Trung ương

159.696

119.475

40.221

25,19%

2. Địa phương

1.866.255

1.670.110

196.145

10,51%

Không chỉ giảm biên chế công chức, viên chức, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương cũng giảm.

Tính đến 31/12/2021, chỉ còn 47.744 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7.469 đơn vị, tương ứng giảm 13,85% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, các bộ, ngành có 1.015 đơn vị, giảm 108 đơn vị, tương ứng giảm 9,62% so với năm 2015 (1.123 đơn vị). Các địa phương có 46.729 đơn vị, giảm 7.361 đơn vị, tương ứng giảm 13,6% so với năm 2015 (54.090 đơn vị).

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19.

Tính chung đến cuối năm 2021, có 3.135 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên.

Cơ cấu bên trong bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian

Bên cạnh các kết quả đạt được, đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra.

Báo cáo giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, như việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa triệt để, còn tình trạng “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra như hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ không được quy định trong bộ hồ sơ; trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ…

Trong khi đó, cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian.

Minh chứng cho điều này, báo cáo giám sát nêu, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, có đến 19 tổ chức chưa làm rõ việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổng cục tại Nghị định số 101 của Chính phủ.

Một số tổ chức vụ, cục thuộc bộ chưa đáp ứng được tiêu chí thành lập như chưa làm rõ được đối tượng quản lý chuyên ngành, lĩnh vực… Số lượng tổ chức phòng trong vụ còn khá nhiều (279 phòng) chưa thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 18.

Tinh giản biên chế một số cơ quan, đơn vị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số bộ, ngành, địa phương sử dụng biên chế chưa đúng quy định của pháp luật như sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính.

Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 85% biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý).

Nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong giao chỉ tiêu biên chế

Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị   bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.

Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền.

Trong đó, 10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế công chức (gồm: TP HCM 3.456; Hà Nội 10; tỉnh Bình Dương 678; Quảng Ninh 372; Bình Thuận 289; Thanh Hóa 141; Hậu Giang 50; Đồng Tháp 45; Quảng Nam 18; Thừa Thiên Huế 10) và Bộ Thông tin truyền thông giao vượt 18 biên chế.

5 địa phương (Đà Nẵng; Cần Thơ; Thừa Thiên Huế; Quảng Bình; Lào Cai) giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định.

Cạnh đó, có 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật Viên chức 8.841 người (TP Hà Nội 8.464 người; tỉnh Ninh Bình 377 người)…

“Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi ngân sách 859 tỷ đồng”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, có 11 địa phương sử dụng 1.259 biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công làm công việc quản lý Nhà nước; 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính.

Còn có địa phương bố trí 32 công chức (không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) làm nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đoàn giám sát cũng chỉ ra, việc sáp nhập giảm đầu mối trung gian trong một số trường hợp mới chỉ là “phép cộng cơ học”, không thật sự đạt được kết quả về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc, song lại xảy ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần người lao động. Sắp xếp, xử lý nhà, đất, trụ sở làm việc thiếu đồng bộ, dẫn đến nhiều lãng phí.

Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nâng ngạch công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn xảy ra tiêu cực, sai phạm, thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch.

Một số công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự...

Theo đoàn giám sát, trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước thuộc cấp ủy, người đứng đầu, các bộ phận tham mưu, giúp việc chưa nghiêm túc, kiên quyết trong việc sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

“Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ trong lĩnh vực, Bộ Nội vụ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm”, báo cáo nêu rõ.

Sớm khắc phục tình trạng tinh giản biên chế “cơ học”

Qua giám sát, đoàn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung.

Đề nghị, năm 2022 và quý I/2023, nghiên cứu, có các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn vừa qua.

Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo quy định. Rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế, sớm khắc phục tình trạng tinh giản biên chế một cách cơ học hoặc bình quân tại tất cả các cơ quan, đơn vị như hiện nay.

Làm rõ căn cứ xác định biên chế khối sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đặc biệt lĩnh vực giáo dục ở các địa phương có dân số lớn, không có điều kiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng biên chế của ngành.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, trước năm 2025, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, làm rõ các nhân tố chưa hợp lý, dẫn đến thất thoát, lãng phí các nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội. Cạnh đó, đề xuất thiết kế mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031 gọn nhẹ, sáp nhập giảm đầu mối trung gian của một số cơ quan, đơn vị. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm