Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Bí thư: Cùng xử nghiêm sai phạm, phải thay thế cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp

Hương Giang

Thứ sáu, 18/11/2022 - 18:40

(Thanh tra) - Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

“Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Ảnh: TTXVN

Ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ sau phiên họp thứ 21 đến nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

“Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới”, Tổng Bí thư nói.

Chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” những ai trót “nhúng chàm”

Từ những kết quả nổi bật, theo Tổng Bí thư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống.

Cạnh đó, xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”

“Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất.

Sắp tới cũng phải làm như vậy, kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Tổng Bí thư lưu ý phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

“Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh”, Tổng Bí thư dẫn chứng.

Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên.

Việc này chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.

“Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nói.

Ông cũng nhấn mạnh, càng đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tổng Bí thư đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Vạn Thịnh Phát, AIC

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Tổng Bí thư lưu ý, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Theo ông, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.X

Những hành vi này không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà cả ở khu vực ngoài Nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty AIC.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty AIC và các công ty thành viên thực hiện. Khẩn trương hoàn thành, kết luận kiểm tra đối với 7 cuộc kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý hình sự

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tính từ đầu nhiệm kỳ, có 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý hình sự.

Cũng tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đã có 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 7 Uỷ viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 2 chủ tịch, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy; 20 sĩ quan cấp tướng).

Về hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Tổng Bí thư ghi nhận nhiều kết quả tích cực khi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước).

Tổng Bí thư nhấn mạnh, dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý.

Nhiều địa phương đã khởi tố cả Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ninh

“Điều này cho thấy tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ đã giảm dần. Trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được”, Tổng Bí thư nhận định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024
Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hoàng Nam

15:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm