Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hồng Hà
Thứ ba, 12/10/2021 - 17:51
(Thanh tra) - Đó là đề nghị được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam
Suốt cuộc đời mình, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Trong nhìn nhận của mình, Người luôn cho rằng, mỗi tôn giáo đều có những ý nghĩa tốt đẹp; quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là một trong những quyền chính đáng của con người, hạn chế và vi phạm quyền ấy là đi ngược với xu thế của tiến bộ xã hội.
Từ 1 trong 6 vấn đề cấp bách của nước Việt Nam độc lập
Chỉ sau một ngày khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch đã nêu 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó đáng chú ý, vấn đề thứ sáu là thực hiện "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết". “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” - Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải về lời đề nghị của mình.
Cũng chính trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng; chia rẽ tức là yếu hèn”.
Trong quan điểm của Người, việc đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không có tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của đoàn kết dân tộc. Đoàn kết lương giáo là đoàn kết lâu dài và toàn diện, là vấn đề chiến lược.
Cũng chính từ việc xem đoàn kết lương giáo là vấn đề chiến lược mà trong rất nhiều những chỉ đạo sau này, vấn đề đoàn kết lương giáo, tự do tín ngưỡng liên tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Ngày 16/10/1945, tại chùa Quán Sứ, trước sự hiện diện của đại biểu Phật giáo và Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mặc dù hai tôn giáo là hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra, thì không lý gì, lúc này cũng là con dân Việt Nam, lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo được”.
Đặc biệt trong cuộc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề tự do, không phân biệt tôn giáo đã liên tục được người đứng đầu đất nước nhấn mạnh. “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” - Người nhấn mạnh trong bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử”.
Cũng theo Người, mọi công dân đều có quyền ứng cử và bầu cử vào Quốc hội. Người nói: “Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”, miễn là “người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.
Trong thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp Lễ Noel năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do”. “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi”.
Trong quan điểm của Bác: Đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Chính bởi điều này, trong lần về thăm lại chùa Trầm năm 1966, Bác đã căn dặn: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân”.
Có thể nói, suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, nói như Jean Sainteny - phái viên của Tổng thống Pháp: “Chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dầu rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu một tôn giáo nào bất kì”.
Ngược lại, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận tôn giáo là vấn đề con người, vì con người, vì thế nó mang giá trị nhân văn sâu sắc, rằng xét đến cùng, tất cả các tôn giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ. Người chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội.
Đến việc luật hóa quyền tự do tín ngưỡng
Từ lời đề nghị ngay ngày đầu lập nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đảm bảo tự do tín ngưỡng cho mọi người dân đã trở thành "một nguyên tắc của chính thể dân chủ cộng hòa" (biên bản phiên họp Chính phủ ngày 20/9-1945) và quyền tự do tín ngưỡng của công dân Việt Nam đã được đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nhấn mạnh: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, “công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”.
Các bản Hiến pháp sau này (1959, 1980, 1992, 2013) đều kế thừa, phát triển tư tưởng ấy.
Trong bản Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định và mở rộng hơn. Theo đó, như ghi nhận tại Điều 26: Công dân Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Hiến pháp năm 1980, Điều 68 có thêm nét mới khi quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Điều 70, Hiến pháp năm 1992 làm rõ thêm về điều này khi nhấn mạnh: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Điều 24 Hiến pháp 2013 hiến định một cách toàn diện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, pháp lệnh, chỉ thị về tôn giáo. Luật Dân sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016)... đều có các điều khoản quy định nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thậm chí, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Việt Nam đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân…
Đáng nói nhất là việc ngày 18/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo…
Nhờ được hiến định rõ ràng bởi hệ thống pháp luật, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, cả nước có khoảng hơn 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Các ngày lễ tôn giáo lớn như Lễ Giáng sinh của đạo Công giáo, Lễ Phật đản của Phật giáo… đều được tổ chức trọng thể theo các nghi lễ tôn giáo. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội được tổ chức.
Các tổ chức tôn giáo đã đăng ký được pháp luật bảo hộ, được tự do hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, sửa chữa và xây dựng cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật.
Đến nay, trên cả nước, Phật giáo có khoảng 17.000 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Công giáo có 7.445 cơ sở thờ tự; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.281 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 43 ngôi chùa được công nhận; Hồi giáo có 89 thánh đường… Hiện Phật giáo có bốn học viện Phật giáo, một trường cao đẳng Phật học và 32 trường trung cấp Phật học; Giáo hội Công giáo có một học viện Công giáo, bảy đại chủng viện và Cơ sở II Đại Chủng viện Thánh Giuse tại Hà Nội; Tin lành có một Viện Thánh kinh thần học và một trường Thánh kinh thần học. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã xuất bản báo, tạp chí, bản tin. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được cấp phép xuất bản, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp và tiếng dân tộc Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na….
Thực sự, đúng như khẳng định của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, liên quan đến báo cáo năm 2021 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF): “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình