Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thuốc phiện lùi xa, con chữ đến gần

Thứ ba, 28/05/2013 - 07:22

(Thanh tra)- Xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu là 1 trong những xã vùng cao của tỉnh Sơn La. Xã có 11 bản, trong đó dân tộc Mông chiếm 87% dân số toàn xã. Những năm trước đây, do trình độ dân trí còn hạn chế nên việc cho con em đi học gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, Lóng Luông đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS.

Ở nhiều nơi của các huyện vùng sâu, vùng xa, nhiều trường mầm non vẫn phải mượn nhà văn hóa của bản để dạy học như thế này. Ảnh: Thái Bình

Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Lóng Luông khi nắng sớm vừa lên. Nằm yên bình bên những vườn mận, vườn đào của bà con dân bản Lóng Luông, mái trường mầm non xinh xắn này đang vang lên tiếng hát tiếng cười của các em học sinh. Đang giờ hoạt động ngoài trời, nhìn cảnh các em học sinh ríu rít bên cô giáo chơi trò chơi và múa những bài tập thể, ít ai biết rằng, chỉ 3 năm về trước,  cả nhà trường vỏn vẹn chỉ có một lớp học với hơn 20 trẻ, nơi học tập là 1 gian lớp “ké” của Trường Tiểu học Lóng Luông. Thấy cảnh con cháu mình phải học hành trong sự tạm bợ, ông Giàng A Lự, Bí thư Chi bộ bản rất trăn trở. Ông đã quyết định hiến 500m2 đất để xây trường. Huy động sự đóng góp công sức của bà con trong bản, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sau 1 thời gian ngắn, Trường Mầm non Lóng Luông đã được xây dựng.

Các cháu nhỏ độ tuổi mầm non đã có trường mới, lớp học mới, các cô giáo có thể yên tâm nhận thêm trẻ mà không lo thiếu lớp học. Ông Lự nói: “Ngày xưa, con ma thuốc phiện xuất hiện ở mọi nhà, mọi nơi, làm lú lẫn, mụ mị hết cả. Đời ông bà, đời mình không được đi học, không biết cái chữ là khổ lắm rồi. Giờ thấy con cháu mình không có lớp học thì vất vả quá. Bây giờ, nhìn các cháu mình được học hành thế này, sạch sẽ, an toàn, lại biết thêm được nhiều điều hay lẽ phải, biết cái chữ, đấy là niềm vui lớn nhất của đời tôi”.

 Trao đổi với chúng tôi, cô Đào Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Lóng Luông cho biết: “Trước đây, các thầy cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh học sinh cho trẻ đến lớp. Nguyên nhân do nhận thức của các gia đình còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trường học ở xa nên các bậc phụ huynh chỉ muốn để con cái ở nhà đi nương, trông em, phụ giúp gia đình. Còn những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học không còn xảy ra. Trong năm học mới 2012 - 2013, nhà trường đón gần 450 trẻ. Nhận thức của người dân vùng cao nơi đây trong việc cho con em đến lớp học tập đã dần dần được nâng lên”.

Tuy nhiên, lớp học vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhà trường chưa có điều kiện tổ chức bếp ăn nấu cho học sinh bán trú. Chế độ hỗ trợ đã có, nhưng bữa ăn của các em sẽ chỉ được cải thiện nếu nhiều phụ huynh tự nguyện nấu bữa trưa cho các cháu mang đến lớp. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, với phương châm “mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui”, thu hút trẻ niềm yêu thích được đến lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên bậc mầm non ở Lóng Luông đã không ngừng tự trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chứng kiến cảnh các cô giáo tỷ mẩn cắt dán tạo hình những hộp nhựa, phế liệu để tạo thành đồ chơi, nhằm tăng sức hấp dẫn của tiết học và khuyến khích sức sáng tạo của trẻ, chúng tôi cảm nhận được lòng yêu nghề, mến trẻ của các cô giáo ở đây biết nhường nào.

Cô giáo trẻ Lường Thị Kim Dung, vừa đưa những đường kéo khéo léo, cắt mô hình phục vụ giảng dạy, vừa tâm sự: Có nơi dạy, nơi học ổn định, năm 2012, Trường Mầm non xã Lóng Luông đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh bỏ học, không được đến trường giảm xuống dưới 0,02%. Toàn xã có 1.438 học sinh tăng 4,35% so với năm học 2011 - 2012 với 73 lớp. Trong đó, bậc mầm non có 432 học sinh với 18 lớp.

Gặp chị Tráng Thị Tồng khi đến đón con gái giờ tan học, chúng tôi được biết, gia đình chị sinh được 2 cháu, thì cả 2 đều theo học tại trường này. Giờ cháu lớn đã học tiểu học, cháu nhỏ đang học lớp mẫu giáo lớn. Chị Tồng vui vẻ nói: “Trước đây, bản này chưa có trường lớp, các cháu trong bản chỉ ở nhà thôi, không đi học. Từ ngày được già Giàng A Lự hiến đất, xây được cái trường học mầm non to đẹp thế này, nhà nào cũng cho con cháu đi học. Gia đình rất yên tâm khi gửi các cháu ở đây”.
    
Thay mặt lãnh đạo xã Lóng Luông, Phó Chủ tịch UBND xã Giàng A Cờ, thể hiện quan điểm “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” của cấp uỷ, chính quyền địa phương: “Mặc dù kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hệ thống trường học của xã đều được chú trọng đầu tư xây dựng. Được sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể trong xã, cùng với sự tận tình của các cô giáo và đặc biệt sự hy sinh, cống hiến của già Giàng A Lự hiến đất, con chữ vốn một thời xa lạ với bà con dân bản nơi đây thì nay 100% con em đồng bào trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Lóng Luông đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non”.

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn - ngủ biết học hành là ngoan”. Với sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền, các thầy cô giáo và sự chăm lo cho việc học hành của các phụ huynh, những mầm non tương lai của Lóng Luông đã và đang được chăm sóc, với niềm tin các em sẽ trở thành những chủ nhân tương lai góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Khi chúng tôi ra về, cũng là lúc đến giờ ăn trưa của các em học sinh. Những chiếc cặp lồng cơm đã xuất hiện trong bữa ăn trưa của học sinh tại điểm trường Co Lóng, xã Lóng Luông. Đây là điều thay đổi đột phá trong nhận thức của người dân. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, sự chung tay của các phụ huynh học sinh sẽ là động lực để giúp các em trên từng chặng đường vượt khó tới trường.   


Thái Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm