Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Thạch tặc” hoành hành Tây Nguyên

Chủ nhật, 18/09/2011 - 11:01

(Thanh tra) - Phong trào khai thác trái phép các loại đá bán quý như thạch anh, Opal ở Tây Nguyên không những khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xáo trộn đời sống sản xuất của nhân dân.

Những khối thạch anh được vận chuyển đến tập kết ở dọc đường để tiêu thụ

Từ thạch anh Đăk Lăk 

Nạn khai thác đá thạch anh trộm ở Đăk Lăk mới xảy ra những năm gần đây. Tuy nhiên, do giá đá thạch anh không ngừng được đẩy lên, nguồn lợi thu được từ việc khai thác đá lậu lớn nên phong trào khai thác nguồn lợi đá bán quý này trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Hiện nay, giá bán đá thạch anh dao động từ 50.000 đến hàng triệu đồng/kg, tuỳ theo chất lượng.

Thạch anh Đăk Lăk chủ yếu là thạch anh hồng và thạch anh dạng  tinh thể, một số ít là thạch anh ám khói, thạch anh tím… được phát hiện nhiều nơi với trữ lượng các mỏ ở quy mô nhỏ và vừa, tập trung nhiều nhất là ở các ngọn núi thuộc dãy Chư Yang Sin kéo dài khoảng 50km từ huyện Krông Bông đến huyện Lăk và dãy núi Vọng Phu ở phía đông huyện M’Đrăk là  những vùng có nhiều đá Granit có chứa các mạch, vỉa khoáng sản thạch anh. 

Với đặc tính cứng, màu sắc đẹp, đá thạch anh được sử dụng để chế tác hàng mỹ nghệ. Mặt khác, còn có tin đồn thạch anh là loại đá có nguồn năng lượng cao, có tác dụng dùng để “trấn” phong thủy, đem lại may mắn cho những ai trưng loại đá này trong nhà. Chẳng vì thế mà nhiều tháng qua rộ lên phong trào “thạch tặc” ở đây.

Các địa bàn đang được xem là điểm nóng về khai thác lậu có thể kể như Yang Ré, Y Tao, Lăk, Krông Nô của huyện Lăk. Ở đây không khó để chứng kiến sự ngang nhiên hoành hành của “thạch tặc” cả ngày lẫn đêm. Bất kể là nương rẫy hay rừng cấm, khi phát hiện có thạch anh là các “trùm” đá đều tìm cách tiếp cận rồi dùng đủ mọi cách để khai thác cho bằng được.
 
Tại địa bàn xã Yang Tao, “thạch tặc” ngang nhiên sử dụng thiết bị cơ giới hạng nặng mở đường vào tận rừng phòng hộ đầu nguồn của hồ Lăk để khai thác và vận chuyển hàng nghìn tấn đá ra ngoài mà không gặp một sự cản trở nào từ các cơ quan chức năng của địa phương.

Sự việc chỉ vỡ lở khi các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin. Tuy nhiên việc xử lý qua loa, không triệt để. Theo phản ánh của người dân địa phương, sau khi bị xử lý, các đối tượng khai thác đá trái phép vẫn tiếp tục, dù không ngang nhiên như trước.

Không chỉ phá rừng cấm để khai thác đá thạch anh, nhiều “trùm” đá còn mua lại nương rẫy của người dân, phá bỏ hoa màu, cây công nghiệp trên đất, đưa máy móc thiết bị và thuê lại chính người dân ở đây để khai thác đá.

Nhiều vụ tranh chấp địa bàn, mỏ khai thác đã xảy ra khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương trở nên phức tạp. Nhiều gia đình bỏ bê nương rẫy cũng như công việc khác để theo “nghề” khai thác đá thạch anh, nhiều em học sinh cũng bỏ học đi đào đá kiếm tiền. 

Đến “ngọc mắt mèo” Đăk Nông

Tại Đăk Nông, việc khai thác đá Opal (ngọc mắt mèo) cũng đang “nóng”, nhất là các địa bàn thuộc 2 xã: Đăk Gằn và Đăk Lao (huyện Đăk Min). Ngoài ra, ở đây còn có các loại đá quý hơn như Cacedone, Mã Não.

Các loại đá Opan, Cacedone, Mã não màu sắc khá đa dạng. Ngoài việc sử dụng để chế tác đồ mỹ nghệ như trang sức, điêu khắc trang trí…, còn có lời đồn đại các loại đá này có tác dụng đặc biệt trong thuật phong thủy và là loại đá rất được ưa chuộng trong thú chơi đá cảnh của các “đại gia”.

Hiện các loại đá này được bán tại chỗ với giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/kg. Nhiều khối đá lớn, có màu sắc và hình thù đẹp có giá lên tới hàng tỷ đồng.

Tại thôn Tân Định, xã Đăk Gằn, nhiều nương rẫy bị đào bới tan nát. Hàng trăm chiếc hố sâu hoắm từ vài mét đến hàng chục mét, nước đọng xanh lè.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Gằn cho biết, tình trạng khai thác đá quý trái phép trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân đến xã “gạ gẫm” người dân bán đất rẫy với giá cao. Sau khi mua được đất, họ đưa thiết bị cơ giới vào ngang nhiên đào bới để khai thác “ngọc mắt mèo”. Cứ mỗi lần huyện và xã có kế hoạch đi kiểm tra, lập tức các đối tượng khai thác đá lậu đều biết trước và cho sơ tán toàn bộ thiết bị, nhân công khiến việc bắt quả tang rất khó.

Trước sự hấp dẫn của lợi nhuận từ đá Opal mang lại, nhiều hộ dân cũng tự ý phá bỏ cây cối trên đất để đào bới tìm đá quý. Khi bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”, những người này liền đưa ra lý do đang đào hồ để lấy nước tưới và nuôi cá.

Việc khai thác các loại đá quý để chế tác đồ mỹ nghệ thuộc thẩm quyền cấp phép của Chính phủ và được biết cho đến nay, chưa một tổ chức cá nhân nào được cấp phép khai thác đá Opal ở Đăk Nông. Tuy nhiên, không hiểu sao tình trạng “loạn” khai thác đá quý ở đây diễn ra rầm rộ với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhưng không hề bị ngăn chặn, xử lý triệt để.

Đăk Lăk là địa phương có nguồn tài nguyên đá Granit (hoa cương) phân bố trên địa bàn rộng lớn. Nhất là các vùng phía Đông Bắc, phía Đông, phía Đông Nam và phía Nam của tỉnh. Đi kèm theo đá Granit là loại khoáng sản thạch anh được phát hiện tại một số điểm lộ với quy mô mỏ nhỏ và vừa.

Việc khai thác thạch anh tại các điểm khoáng sản mang tính thủ công, nhỏ lẻ, mạnh ai người nấy làm. Không ít điểm khoáng sản còn có sự tranh giành khai thác, gây nên sự mất trật tự trên địa bàn. Do việc khai thác thạch anh tuỳ tiện, nên nhiều nơi gây xói lở đất đá, huỷ hoại cây rừng tự nhiên, làm hỏng hoa màu và các loại cây trồng. Các phương tiện cơ giới chuyên chở thạch anh đã làm hư hại những con đường đi vào các xã vùng sâu vùng xa.

Với thực trạng khai thác thạch anh như vậy đang làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vấn đề quan tâm hiện nay là, ngành Địa chất cần điều tra, thăm dò và quy hoạch vùng khoáng sản, xây dựng phương án khai thác thạch anh hợp lý, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Địa phương cũng cần phải xem xét việc cấp phép và quản lý chặt chẽ việc khai thác loại khoáng sản này, để không bị lãng phí nguồn tài nguyên.


Phi Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm