Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 18/06/2018 - 06:33
(Thanh tra)- Nhiều người thường nghĩ, làm báo là được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, sản phẩm gây hiệu ứng mạnh và được xã hội đón nhận. Ít ai biết được, đằng sau những con chữ, hình ảnh, thước phim là mồ hôi, công sức, tâm huyết và thậm chí có cả máu và nước mắt của người làm báo.
Phóng viên Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam), bị dòng nước lũ ở Yên Bái cuốn đi khi đang tác nghiệp đưa tin về mưa lũ. Ảnh: internet
Không giống như những năm trước, giờ đây, trong thời đại bùng nổ thông tin, những người làm báo đang chịu sức ép từ thông tin trên các mạng xã hội. Đó là sức ép về tốc độ và tính cập nhật của thông tin… mọi cái mới nhất đều có thể nhanh chóng trở thành cái cũ. Trình độ của bạn đọc cũng không ngừng được nâng cao, đòi hỏi người làm báo vừa phải có năng lực nghề nghiệp, vừa phải có tầm hiểu biết rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, vừa phải nắm các quy định của luật pháp, và đặc biệt là sự nhạy bén trước những vấn đề, sự kiện nóng của đời sống xã hội.
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có nguyện vọng học nghề báo và đang học báo, phần đông cho đây là nghề “hót”, không phải lao động chân tay, được ngồi trong phòng máy lạnh hay được đi khắp đó đây, được gặp nhiều người ở các tầng lớp khác nhau. Nhưng các bạn chưa biết để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người, là cả một hành trình vất vả, mồ hôi và nước mắt, thậm chí xương máu của mình.
Nhiều năm gắn bó với nghề báo, tôi nhận ra rằng, nghề báo là một nghề vất vả, hiểm nguy. Bởi, không phải lúc nào nhà báo đi thực tế cũng thuận lợi. Nhiều khi đường sá xa xôi, đến nơi rồi chưa có thông tin ngay được, bởi vì người biết thông tin đi vắng hoặc ngại cung cấp thông tin cho nhà báo mà tìm cách “né”.
Để có một tác phẩm báo chí, nhà báo phải đi đến nơi xảy ra sự việc, nắm bắt thông tin, ghi âm, quay phim, chụp ảnh… và hệ thống lại thành tác phẩm báo chí. Những buổi dự hội nghị, trong khi những đại biểu ngồi nghe thì nhà báo bắt đầu một chuỗi công việc… Kết thúc hội nghị, đại biểu đi giao lưu hoặc về nghỉ, thì nhà báo phải suy nghĩ và xử lý tin, bài hội nghị nộp nhanh về tòa soạn cho kịp giờ xuất bản.
Trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhà báo cũng tham gia rất quyết liệt để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, giúp đỡ những người nghèo khó, yếu thế, bị xâm hại quyền lợi, hay phanh phui những vụ việc tiêu cực. Thế nhưng, khi tác nghiệp để thu thập tài liệu, nhà báo gặp vô vàn khó khăn. Ngay cả khi Điều 25 Luật Báo chí (2016) quy định rất rõ khi đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ Nhà báo, song nhiều trường hợp ngăn cản. Có cơ quan khi nhà báo đến làm việc, xuất trình Thẻ Nhà báo thì lại yêu cầu phải có giấy giới thiệu. Rồi khi có giấy giới thiệu lại viện cớ lãnh đạo đi vắng, người giữ hồ sơ nghỉ phép…
Ngoài sự vất vả, khó nhọc, nghề báo còn phải đối diện với không ít hiểm nguy, những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không được cung cấp thông tin, bị mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, vu khống… và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể xác của các nhà báo.
Và rồi, trên đường tác nghiệp, đã có không ít nhà báo gặp nạn, thậm chí tử vong như nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền phong) tử vong do tai nạn giao thông trên đường đến cảng Cầu Đá (Nha Trang) để tác nghiệp. Anh là cây bút xông xáo, uy tín trên nhiều lĩnh vực, đã 6 lần ra Trường Sa tác nghiệp, bỏ nhiều tâm sức để lưu giữ tư liệu hình ảnh, văn bản, clip về Trường Sa và đang ấp ủ in cuốn sách “Trường Sa qua từng bức ảnh”.
Rồi đến chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị một xe tải lật đè tử vong khi đang trên đường đi tác nghiệp.
Gần đây nhất, phóng viên Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam), bị dòng nước lũ ở Yên Bái cuốn đi khi anh đang tác nghiệp đưa tin về mưa lũ. Ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, khi mơ ước xây dựng một thư viện sách tặng học sinh nghèo vùng cao Yên Bái còn dang dở. Đinh Hữu Dư đã để lại cho các thế hệ nhà báo những trăn trở, những nghĩ suy về những gì mình chưa làm được.
Anh Quân, chị Thanh, anh Dư… chỉ là 3 trong số rất nhiều phóng viên, nhà báo đã đổ máu, thậm chí tử nạn trên đường tác nghiệp. Còn rất nhiều, rất nhiều nhà báo bị cản trở, thậm chí bị hành hung khi đi tác nghiệp. Hay có những nhà báo phải đứng trước vành móng ngựa vì những cám dỗ không vượt qua chính mình. Song tựu chung, đó là nghề và nghiệp.
Có thể nói, nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ. Nghề báo là vinh quang nhưng cũng thực sự rất khó khăn. Có biết bao chuyện vui - buồn của giới báo chí mà không cách nào kể hết. Chỉ biết rằng phía sau những tác phẩm là rất nhiều công phu, vất vả và cả sự hy sinh, sáng tạo của lực lượng cầm bút. Và muốn đi đến tận cùng của sự thật, chuyển tải những thông tin, hình ảnh, thước phim chân thật nhất về sự kiện, các nhà báo phải và cần tiếp tục phải dấn thân vào thực địa, vào "tâm bão" của các vấn đề nóng, trở thành nhân chứng sống động về sự kiện.
Lê Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền