Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quốc hội yêu cầu khắc phục thiếu điện, thay thế cán bộ đùn đẩy trách nhiệm

Hương Giang

Thứ bảy, 24/06/2023 - 17:50

(Thanh tra) - Phát biểu bế mạc kỳ họp 5 chiều ngày 24/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp này đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp 5. Ảnh: Đ.X

Không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong văn bản luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần thứ 2 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và 8 dự án luật khác.

Với kết quả công tác lập pháp này, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%, theo ông Vương Đình Huệ.

Với thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho hay, khối lượng công việc còn rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ.

Ông đề nghị, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đáng chú ý, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, tài sản công, tài chính công, hợp tác công tư, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp...

Việc rà soát này phải xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư… báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm nay).

Nhiều quyết sách rất quan trọng để phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp

Với hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: Lao động Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải.

Các đại biểu tham dự phiên bế mạc kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: P.Thắng

Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Điển hình, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, có tính khả thi cao để giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chọi của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ; có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống...

“Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức”, ông Vương Đình Huệ nói rõ yêu cầu của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, ngành, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực, tâm huyết của nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm nay và giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ông đề nghị các đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả kỳ họp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Về công tác nhân sự, với quy trình, theo ông Vương Đình Huệ, với thủ tục chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán TAND Tối cao. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm