Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quê và phố

TS Ngô Quốc Đông

Thứ hai, 10/04/2023 - 11:46

(Thanh tra) - Trong suy nghĩ hồn nhiên của dân quê, Thủ đô thật vương giả. Người ta thanh lịch, ăn ngon mặc đẹp, son phấn đắt tiền, nhà cao, xe đẹp, lại tiêu pha như nước… nên đôi khi dân quê tặc lưỡi, ước gì mình được như người thành phố!

Đời sống người dân các làng quê ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa: https://baodansinh.vn/

Người thành phố quanh năm chật chội, lại bị bao phủ bởi khí bụi ngột ngạt vô cùng, văn phòng thì nhỏ bé, đường xá đông đúc, nên khát khao cái thoáng đãng của nhà quê. Cuối tuần rủ nhau ra ngoại ô tận hưởng chút khí trời cho lòng khoan khoái. Nhiều người than thở, giá như có cái nhà ở quê mà sống!

Thấu hiểu cảnh đồng ruộng lam lũ quanh năm, nông dân luôn khuyên con cái hãy cố mà học, sau ở lại thành phố làm việc, để trở thành “người thành phố”, đừng để người ta gọi mình là thằng “nhà quê”. Con cái nghe lời, phần vì không muốn trở về sau khi tốt nghiệp bên cái “máng lợn sứt” và ngắm cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” quần quật ngoài đồng. Thế là một số học đòi người thành phố, nhiều khi đến lệch lạc. Nhưng thà lệch lạc còn hơn bị dân phố gọi là “thằng nhà quê”, miệt thị lắm!

Cũng từ đây, dân quê đi học, rồi ở lại thành phố làm đủ nghề, kể cả trái ngành, bỏ lại chốn quê trong sự buồn lặng yên tĩnh đến vô vọng. Thành phố như chiếc áo đã quá chật sắp bật chỉ, còn nhà quê ngày một vắng bóng thanh niên, nhiều nhà cửa bỏ hoang, sức lao động thâm hụt, đồng ruộng xơ xác vì ít chăm bón, trong làng chỉ còn văng vẳng tiếng khóc của trẻ con và tiếng ho của người già.

Người giàu thành phố sống ngột ngạt đã lâu, sau vài lần đi chơi quê lại đâm ra mê tiếng gà gáy, chó sủa. Càng thích hơn cái cảnh vườn cây, ao cá, giếng khơi. Rồi một trào lưu gần như thành mốt: Mua đất quê lập trang trại, làm nhà vườn. Cuối tuần, cửa ngõ Thủ đô cứ chật lèn xe con vì dân thành phố vừa kiếm được mảnh đất rộng ở quê nên tranh thủ đưa gia đình về nghỉ.

Người dân quê sau khi bán vườn cho họ, có chút vốn chẳng biết làm ăn gì, hầu hết gửi tiết kiệm, nên đời vẫn cứ thấy khổ. Nay nhìn dân phố đánh xe con tung tăng đi lại trên mảnh vườn bao đời cha ông gắn bó mà lòng thấy tủi tủi. Đất tổ tông gây dựng bấy lâu bỗng dưng thành của người thiên hạ. Xót xa quá!

Đời nghiệt ngã lắm! Có phải ai ở lại thành phố cũng sướng đâu. Nếm trải, nhiều người mới vỡ lẽ ở thành phố rất khó sống, bởi toàn người khôn ngoan cả, một số bỏ cuộc về quê. Nhưng số này ít lắm, hàng ngày, từng dòng người vẫn lũ lượt kéo ra các bến xe vào thành phố tìm cơ hội. Trong đầu họ cũng đang mơ về những điều mà người bỏ phố về quê kia từng hi vọng ước ao.

Người thành phố sau khi mua đất không phải ai cũng có trang trại, vì kĩ thuật nông nghiệp đâu có biết, lại làm gì có thời gian mà tần tảo sớm hôm, nên nhiều miếng bỏ hoang, cỏ mọc đầy lối vào. Nhiều khi thuê người chăm bón mảnh vườn, được ít nông sản, kéo bạn bè lên đó thăm, cho họ họ ít vải, ít lạc, con gà, cân cá, với mục đích để khoe khoang vậy thôi. Rõ ràng thật rông dài, tốn kém, hiệu quả kinh tế thực sự không có. Dân phố chợt hiểu, được như quê không dễ. Tiền chỉ mua được đất quê chứ không mua được hồn quê. Hồn quê phải do người nông dân tạo ra mới có.

Thành thị cũng có gốc gác nông thôn mà ra, nhưng tại sao chẳng ai muốn công nhận cái gốc của mình. Chẳng phải vì ai thấp hèn hơn ai. Dân nhà quê hay thành phố đều là con người, chỉ có điều đó là hai vùng văn hóa khác biệt, đều có những giá trị sống và giá trị người mà chúng ta cần phải học cách trân trọng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm