Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phá rừng phòng hộ để trồng tiêu

Thứ ba, 11/06/2013 - 03:17

(Thanh tra)- Những năm gần đây, khi quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, nhiều cánh rừng phòng hộ (RPH), hay những khu vực là vùng đệm của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chặt hạ không thương tiếc. Đỉnh điểm của tình trạng này là những tháng qua, các cánh rừng thông phòng hộ hơn 30 năm tuổi ở huyện Mang Yang đã bị chặt, đốn trơ gốc. Trên những vùng đất đỏ bazan vừa được "khai phá" ấy, những vườn cà phê, hồ tiêu đang lên xanh mướt.

Rừng thông phòng hộ bị đốn hạ để trồng hồ tiêu tại xã Đắk Djrăng. Ảnh: Trung Đức

Đầu tháng 6, khi những cơn mưa rừng bắt đầu đổ xuống vùng đại ngàn Tây Nguyên, chúng tôi liên tục bắt gặp những đám khói âm ỉ bốc lên từ những vạt rừng là vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (thuộc địa bàn các xã Đắk Roong, Kon Pne, huyện Kbang, vùng phía Đông tỉnh Gia Lai). Trước đó, những cánh rừng này bị người dân trong vùng chặt hạ, đốt, để sau đó là trỉa bắp, trồng cà phê. Ngày xưa, quãng đầu những năm 2000, đi ngang qua vùng này, khách bộ hành chỉ thấy một màu xanh um của bạt ngàn rừng cây cổ thụ.

Cũng ở vùng Đông Gia Lai, trong quý II/2013, một vụ phá RPH với quy mô lớn xảy ra tại các tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý (BQL) RPH Bắc An Khê, nơi chỉ cách quốc lộ 19 vài cây số đường chim bay. Nơi đó thuộc xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ, những cây gỗ hương, bằng lăng, cà chít, căm xe, dầu... bị đốn hạ không thương tiếc, với diện tích bị "khai phá" lên đến gần 20ha, song hầu như cơ quan chức năng huyện Đắk Pơ hầu như... không hay biết gì!

Nhiều vườn tiêu đang lên xanh tốt giữa RPH. Ảnh: Trung Đức

Đỉnh điểm của việc phá RPH để lấy đất sản xuất, canh tác trang trại phải kể đến việc... chặt phá rừng thông phòng hộ trên địa bàn huyện Mang Yang. Người đi đường dọc tuyến quốc lộ 19, từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) về TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), khi đến địa phận các xã Ayun, Đắk Ta Ley (huyện Mang Yang), sẽ thấy những cánh thông phòng hộ quốc lộ 19 đang lần hồi ngã xuống, với màu đỏ úa. Xen vào giữa những hàng thông vừa chết gục ấy, là những vườn cà phê xanh ngút ngàn.

Dừng xe để hỏi đường vào làng Đê Rơn, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, một công trường đang được các đối tượng "khai khẩn" để trồng hồ tiêu, ông Đỗ Ngọc Giao, người dân thôn Linh Nham, xã Đắk Djrăng cho hay: Từ năm 1978, Lâm trường Ayun đã huy động anh em công nhân khai phá đất hoang hóa để trồng thông phòng hộ. Sau hơn 30 năm, những gốc thông năm nào đã rất cao, có cây đường kính lên đến 60 - 80cm, công sức của người trồng rất lớn. Ấy vậy mà nhiều người, trong đó có cán bộ địa phương, đã chặt hạ thông vô tội vạ, ra sức trồng hồ tiêu.

Thông bị chặt hạ ngổn ngang. Ảnh: Trung ĐứcĐầu tháng 6, chúng tôi có mặt tại các tiểu khu 499, 501 thuộc làng Đê Rơn, xã Đắk Djrăng (trực thuộc sự quản lý của BQL RPH Đắk Đoa và UBND huyện Mang Yang). Một cảnh hoang tàn, gãy đổ, hàng ngàn cây thông bị băm, chặt vỏ; số khác thì bị ken, đốt gốc cháy đen. Một số lô đất trống giữa rừng thông được cày xới, có người đến cắm hàng trăm trụ bê tông để trồng tiêu. Không chỉ thế, cách rừng thông bị chặt hạ, đốt phá khoảng 2km, có hơn 50ha đất trồng cây sao xanh cũng bị chặt phá, thậm chí nhiều diện tích đã được chia lô, cắm trụ, dựng cả trang trại trên vùng đất này.

Ông Pheng (dân tộc Ba Na), người dân làng Đê Rơn cho hay: "Thời gian này, vùng Mang Yang có mưa nhiều. Những cánh rừng thông quanh làng bị đốn hạ nhiều lắm, người ta tranh thủ mưa xuống để làm đất trồng hồ tiêu. Một kg tiêu đen bây giờ nông dân bán được hơn 120.000 đồng/kg rồi, trồng tiêu là giàu to".

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, tại các khu vực nói trên đã có hơn 43ha rừng thông và đất lâm nghiệp bị 80 hộ chiếm (trong đó, có gần 35ha rừng thuộc vùng lõi bị lấn chiếm), với hàng chục vườn tiêu đã bắt rễ trên vùng rừng thông bị đốn hạ. Ông Nguyễn Long Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: Trước tình hình này, Hạt đã có công văn gửi UBND huyện Mang Yang, đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Đắk Djrăng và các cơ quan chức năng có liên quan của huyện tập trung phương án và tổ chức cưỡng chế, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trên diện tích 43ha đất bị lấn chiếm tại khu vực rừng thông thuộc các tiểu khu 499, 501 xã Đắk Djrăng, Thế nhưng, cho đến nay tình hình vẫn chưa ngã ngũ. Ghi nhận của chúng tôi, đây có thể xem là vụ phá rừng thông phòng hộ lớn nhất trong nhiều năm qua ở địa bàn tỉnh Gia Lai.

Những cây thông hơn 30 năm tuổi bị ken gốc, chờ chết. Ảnh: Trung Đức

Ngày 7/6, tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Công an tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Mang Yang, xuống hiện trường để kiểm tra thực trạng phá RPH để lấy đất trồng tiêu ở huyện Mang Yang. Đại tá Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Gia Lai), trưởng đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai cho biết, vụ phá rừng thông nói trên có tính chất phức tạp, xảy ra trong thời gian dài. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo xử lý vụ việc rất quyết liệt. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ kiểm tra toàn bộ hiện trường, đồng thời mở rộng sang các tiểu khu lân cận; đồng thời, phối hợp với chính quyền huyện Mang Yang triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để tình trạng phá rừng tiếp tục diễn ra.

Ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký ban hành Công văn số 1701/UBND-NL về việc chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại huyện Mang Yang.

 

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với vụ việc trên, UBND tỉnh Gia Lai giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra ban đầu và khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để tình trạng phá rừng tiếp tục diễn ra.

 

UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Mang Yang khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện sự chỉ đạo nói trên và thường xuyên báo cáo tiến độ về UBND tỉnh.      

 
Trung Đức
 

Nội dung phía sau ảnh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm