Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/10/2011 - 21:41
(Thanh tra) - Ngày 10/10 tới đây, hệ thống các trường đại học sẽ đóng cửa xét tuyển nguyện vọng 3, nghĩa là kết thúc một mùa tìm kiếm nhân tài.
Vậy mà, nhiều trường vẫn không đủ thí sinh để xét tuyển, một số trường chẳng đặng đừng phải thông báo đóng cửa một số ngành đào tạo. Thậm chí, có trường như Đại học Đồng Tháp phải đóng cửa đến 17 ngành.
Đó là kết quả “3 chung” (chung đề thi, chung đợt thi, chung điểm thi) của hơn một triệu thí sinh dự thi đại học, nhưng chỉ có hơn 400.000 đạt từ điểm sàn trở lên. Mà mức điểm sàn này nếu chia trung bình cho ba môn thi, cũng chưa đủ mức trung bình. Kết quả này làm cho nhiều người đặt câu hỏi về trình độ của thí sinh…
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách giáo dục của chúng ta chủ yếu dạy cho học sinh một con đường duy nhất để bước vào đời đó là đại học. Trong khi đó, hàng năm, số thí sinh đỗ đại học so với số thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ chiếm 30%.
“Nút cổ chai" vào đại học năm nào cũng gây một tâm lý căng thẳng trong xã hội. Chính vì vậy mới có chuyện cắm đầu, cắm cổ vào dạy thêm, học thêm, tiêu cực chạy bằng, chạy điểm...
Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hình thức “3 chung” đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc cần chấm dứt cách thức tổ chức thi tuyển sinh như vậy.
Còn theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, việc có quá nhiều thí sinh bị điểm 0 tại kỳ thi đại học, trong khi đó kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại quá cao, đúng là một chuyện không bình thường.
Chuyện không bình thường cũng được nhìn thấy từ hệ quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nghe kết quả tốt nghiệp đạt 98 - 99%, nhiều giáo viên chủ nhiệm nhiều nơi còn… không dám mừng!
Đầu vào là vậy đó!
Nhìn đầu ra lại thấy, nhiều trường đại học, cao đẳng công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trên 90%, thậm chí có trường lên đến 98,6%. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tỷ lệ “gần tuyệt đối” ấy có phản ánh đúng thực tế học tập của sinh viên?
Một giảng viên cho biết, khi hợp đồng giảng dạy, nhà trường luôn dặn dò phải thế này, thế kia về điểm số, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt sinh viên. Vì thương hiệu, nhiều trường vẫn áp đặt giảng viên trong việc cho điểm sinh viên. Cũng theo giảng viên này, trong 100 bài thi của sinh viên ở một số trường, nếu “chấm thẳng tay” có hơn nửa sinh viên không đạt, nhưng nhiều giảng viên chỉ đánh rớt khoảng 10% “trong giới hạn cho phép” của trường.
Bên cạnh đó, nhiều giảng viên cũng thừa nhận đang hình thành tâm lý “ngại cho điểm kém”. Chấm điểm kém nhiều quá, trường sẽ hỏi anh dạy thế nào mà sinh viên điểm kém? Tệ hơn là nếu đánh rớt sinh viên nhiều quá sẽ bị cắt hợp đồng, nên nhiều giảng viên đành làm vậy.
Xin thưa, thời điểm này đã là năm 2011, nghĩa là chỉ còn 9 năm nữa thôi là tới đích của quan điểm chiến lược “Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Quan điểm này cho thấy, chúng ta đang ngày càng đòi hỏi một lực lượng lao động dồi dào chất xám hơn lúc nào hết. Nhắc lại điều này để thấy, chuẩn bị hành trang ngay bây giờ không còn là quá sớm. Bởi, nhân tài sẽ quyết định sự thịnh suy đất nước.
Không riêng Việt Nam, trong giai đoạn phát triển, đất nước lúc nào cũng cần ba kiểu nhân tài: Các nhà lãnh đạo xuất sắc; các doanh nhân cự phách; các nhà khoa học, công nghệ và văn học, nghệ thuật tài ba.
Nói như Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, điều kiện thiết yếu để các nhân tài xuất hiện trong bối cảnh hiện nay gồm ba yếu tố: Có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; phát huy dân chủ để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý.
Sẽ không có một thành phẩm tốt, khi mà nguyên liệu kém chất lượng.
Tâm Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình