Ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.Điểm đáng chú ý trong Nghị định này đó là quy định cảnh cáo, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.“Vũ khí” lợi hại để dẹp bỏ “sân sau”Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Thanh tra Chính phủ), thành viên Ban soạn thảo Nghị định 59 cho biết, việc ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi của Luật phòng, chống tham nhũng.Trong Luật, Điều 20 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đã quy định rõ những nội dung trên ở khoản 3, nhưng chưa có phương án để xử lý. Một trong những điểm mới của Nghị định 59 là đưa ra chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có quy định về quy tắc ứng xử.Trong bối cảnh hàng loạt các vụ vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực cổ phần hóa nhà, đất công được phanh phui thời gian qua đã được xác định có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn, qua đó lộ diện tình trạng “sân sau”, lợi ích nhóm, công ty gia đình…, Nghị định 59 được kỳ vọng sẽ là loại “vũ khí” lợi hại để dẹp bỏ.Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, có xử lý vấn đề này được hay không không chỉ phụ thuộc vào quy định của pháp luật, mà còn phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện, tổ chức thực thi trên thực tế. Ở góc độ quy định pháp luật, Luật Phòng chống tham nhũng đã bắt đầu đặt ra những vấn đề xử lý tình trạng đó.Không chỉ xử lý các tình huống liên quan đến quy định về quy tắc ứng xử, Nghị định 59 còn nhận diện các trường hợp về xung đột lợi ích, trong đó có cả tình trạng sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đồng thời đưa ra các biện pháp, trình tự thủ tục để xử lý. Ví dụ giám sát công chức để những xung đột đó không biến thành hành vi vi phạm pháp luật, hoặc việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ của người có xung đột lợi ích.“Ví dụ, trong tình huống cơ quan chuẩn bị thành lập hội đồng tuyển dụng, khi thấy trong danh sách có con của ông A thì sẽ không đưa ông này vào hội đồng. Hoặc đã thành lập Hội đồng rồi mới phát hiện ra thì phải tạm đình chỉ không để ông A làm việc đấy nữa” – ông Nguyễn Tuấn Anh nêu ví dụ.Nghị định 59 sẽ góp phần làm giảm, ngăn chặn hiện tượng sân sau, lợi ích nhóm đồng thời phần liên quan đến xử lý vi phạm đã quy định rất rõ hình thức xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, với những hành vi liên quan đến góp vốn, thành lập, bố trí vợ, chồng, con cái vào những vị trí người đứng đầu trực tiếp quản lý…Nói về 2 mức xử lý đối với những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử gồm cảnh cáo và cách chức, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mức xử lý này áp dụng với những trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa cấu thành tội phạm.“Chúng tôi cho rằng, đó là những hình thức xử lý về mặt hành chính nặng nhất, không có sự dung túng, phù hợp với tính chất, mức độ cũng như ưu tiên về xử lý đối với tình huống vi phạm trong bối cảnh hiện nay” - thành viên Ban soạn thảo Nghị định 59 khẳng định.Nghị định đã quy định rất rõ, cán bộ mới vi phạm lần đầu thì bị cảnh cáo. Trường hợp đã bị cảnh cáo rồi mà vẫn tái phạm thì sẽ bị cách chức. Một vài trường hợp ngay từ đầu đã phải cách chức để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.“Chúng tôi hy vọng có thể xử lý được tình trạng sân sau, lợi ích nhóm. Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng, Nghị định 59 và Luật Phòng chống tham nhũng chỉ là một công cụ để bước đầu xử lý tình trạng đó. Còn để xử lý triệt để phải cần hàng loạt công cụ khác bao gồm cả hệ thống pháp luật cũng như quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của người đứng đầu cũng như sự giám sát, phát hiện của xã hội. Nếu nói Nghị định này có thể xử lý tình trạng trên là chủ quan, nhưng nó là tiền đề tốt để bước đầu xử lý” – ông Tuấn Anh cho biết.Bộ máy hành chính không thể bị chế ngự bởi quan hệ huyết thốngĐánh giá cao việc ban hành Nghị định 59 của Chính phủ trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước ta thực hiện quyết liệt, ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chế tài này đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng “chọn người nhà mà không chọn người tài”. Ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít trường hợp cất nhắc, bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí then chốt trong bộ máy Nhà nước như phụ trách tài chính, kế hoạch..., dẫn đến cục bộ địa phương, gây xung đột lợi ích, mất đoàn kết, hình thành lợi ích nhóm, thậm chí còn tạo sự bất bình đẳng trong việc trao cơ hội cho các cá nhân khác.Hậu quả của việc bổ nhiệm người nhà đã làm giảm sút lòng tin của cán bộ, nhân dân vào bộ máy Nhà nước, dẫn đến đấu đá, mâu thuẫn nội bộ, thiếu sự gắn kết, phối hợp trong công tác; cấp dưới không phục tùng cấp trên, nghiêm trọng hơn là không thu hút được người tài vào cơ quan, đơn vị.“Quy định lần này sẽ ngăn chặn được câu chuyện đưa người thân vào vị trí quan trọng của cơ quan, đơn vị. Song cũng cần phòng chống, chế ngự việc bổ nhiệm thân hữu, đệ tử là anh em, là thuộc cánh với nhau” – ông Đặng Hùng Võ nói và nhấn mạnh việc bố trí người thân giữ chức vụ quản lý ở một số lĩnh vực quan trọng sẽ làm lệch lạc mối quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên trong cơ quan.“Bộ máy hành chính không thể bị chế ngự bởi huyết thống. Đây là bước rất quan trọng, cần làm trước tiên. Kể cả người thân trong gia đình nếu có năng lực thực sự thì cũng không nên bố trí vào vị trí quan trọng. Bởi nếu đã có năng lực thì nhiều nơi sẽ đón nhận chứ không nên cố để vào cơ quan có người thân làm lãnh đạo” – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để Nghị định 59 sớm đi vào cuộc sống, trước hết cán bộ lãnh đạo quản lý từ Trung ương tới địa phương cần nêu cao trách nhiệm nêu gương, nếu bố trí người thân vào những vị trí quan trọng trong cùng cơ quan thì phải bị kiểm điểm, cách chức, chuyển công tác.“Cán bộ lãnh đạo mà không gương mẫu, không chấp hành về mặt tổ chức kỷ luật, không nêu gương thì phải chịu hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là cách chức. Đáng lý ra, là cán bộ quản lý thì phải hiểu rõ, rành mạch các quy định cấm mà lại làm sai thì cấp dưới làm sao nghe được” – ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh./.