Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 09/06/2023 - 17:20
(Thanh tra) - Dư luận đang "nóng" với câu chuyện cắt điện luân phiên, tăng giá điện. Trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi: Việc thiếu điện và phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, trong khi các dự án điện năng lượng tái tạo lại phải "kêu cứu" vì chưa được huy động, vậy ai phải chịu trách nhiệm cho nghịch lý trớ trêu này của ngành Điện?
Nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Ảnh: TL
Chưa huy động điện tái tạo nhưng lại mua điện từ Lào, Trung Quốc
Mấy ngày qua, dư luận đang nóng lên xung quanh câu chuyện về lãng phí điện gió, điện mặt trời. Tâm điểm là việc nguồn điện mặt trời, điện gió lên tới 4.600 MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới, trong khi Việt Nam phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Lãng phí như thế thì ai chịu trách nhiệm? Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố lỗ trên 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023. Để phản ánh chi phí đầu vào tăng cao trong sản xuất điện và để giảm lỗ cho EVN, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023.
Ngành Điện đang thiếu điện rất gay gắt đây là thực tế không phải bàn cãi và đã được dự báo từ trước đó rất lâu. Cụ thể, về nguồn cung ứng điện, năm 2023 là năm khí hậu chịu ảnh hưởng bởi El Niño. Thời tiết khô hạn dẫn đến các hồ thủy điện không đủ nước để phát điện. Nhiều ngày nắng nóng trong tháng 4 và tháng 5 với nhiệt độ trên 40 độ C làm cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng đột biến, càng làm nguồn cung giảm nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu hụt. Trước tình đó, EVN buộc phải cắt điện ở nhiều nơi, kêu gọi thực hành tiết kiệm điện, đồng thời tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và huy động mọi nguồn phát khả dụng có chi phí cao khác.
Điều trớ trêu là, trong lúc đang thiếu điện, nhưng vẫn còn tổng cộng khoảng 4.600 MW từ điện gió và điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, vượt qua thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể phát lên lưới.
Dù Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Công thương đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng và chỉ thị Bộ Công thương không được để thiếu điện. Thủ tướng cũng yêu cầu tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng, đến nay các DN điện tái tạo vẫn tiếp tục “kêu cứu” vì không thể phát điện lên lưới.
Điều này là do chưa có cơ chế giá phát điện để làm cơ sở thỏa thuận mua bán điện giữa các nhà đầu tư và EVN. Các nhà máy điện gió đã phải chờ cơ chế này khoảng 16 tháng, còn các nhà máy điện mặt trời đã phải chờ hơn 26 tháng.
Rõ ràng, đây là những sự kiện không tốt, ảnh hưởng rất tiêu cực đến người tiêu dùng điện. Các nhà đầu tư điện lực chịu thất thu và phải đối diện với nguy cơ không đảm bảo chi trả phương án tài chính dự án, thậm chí vỡ nợ. Từ năm 2010 đến nay, giá điện tăng 8 lần và EVN vẫn báo lỗ.
Đặc biệt, cùng trong EVN nhưng công ty mẹ lỗ, còn công ty con báo lãi. Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Việc chưa tận dụng hết điện sản xuất được trong nước mà phải đi nhập khẩu điện nước ngoài là vô cùng lãng phí. Sản xuất điện trong nước như điện gió, điện mặt trời còn chưa khai thác, tận dụng. Năng lượng mặt trời, gió mãi mới đưa vào Quy hoạch điện VIII mà sao không đưa vào Quy hoạch điện VII. Điện gió, điện mặt trời bây giờ sản xuất thừa nhưng DN không thể đấu nối hòa mạng. Lãng phí thế ai chịu trách nhiệm? Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời vì thiên nhiên ưu đãi. Tại sao có những nghịch lý này. Nhiều câu chuyện Quốc hội phải tiếp tục mổ xẻ.
Vì sao điện gió, điện mặt trời trong nước lại bị “bóp nghẽn” không hòa lưới được?
Theo phương án của Bộ Công thương, đối với các dự án đã hoàn thành (điện gió, điện mặt trời), Bộ Công thương chỉ đạo chỉ cho ký hợp đồng mua bán điện với giá bằng 50% theo khung giá của Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công thương (ngày 7/1/2023).
Cụ thể, đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2017) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.184,9 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023), tức là đã giảm 901,1 đồng/kWh, tương đương giảm 43,19%.
Đối với giá điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/09/2018) thì nay điều chỉnh chỉ còn 1.815,95 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023) tức là đã giảm 407,05 đồng/kWh, tương đương giảm 18,31%.
Việc chỉ mua với giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 07/01/2023 gây thiệt hại về kinh tế của nhà đầu tư do không đảm bảo các chi phí đầu tư của dự án. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, với giá mua điện tạm tính này, DN cảm thấy vô cùng sốc, bởi buộc phải ký, nếu không sẽ tiếp tục không được phát điện và rồi khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn, nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Bên cạnh đó, có thể thấy thẩm quyền ban hành quyết định về giá điện gió, điện mặt trời và những bất cập trong việc ban hành khung giá điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương và Thông tư 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 của Bộ Công thương.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định pháp luật, thẩm quyền của Thủ tướng ban hành quyết định thì khi sửa đổi, bổ sung cũng phải do Thủ tướng quyết định sửa đổi, bổ sung. Thế nhưng, Bộ Công Thương (cụ thể là Thứ trưởng Đặng Hoàng An) đã ký Quyết định 21 về ban hành khung giá điện mặt trời, điện gió. Như vậy, phải chăng Bộ Công thương đã vượt thẩm quyền, bác bỏ nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá điện tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.
Với tình hình trên, xem ra khả năng các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp khó có thể tham gia để “góp sức” vào nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao vào mùa hè này. Và hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục “đắp chiếu” và tiếp tục chờ cơ chế.
Về lâu dài, nếu cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện, dẫn tới không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.
Giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương và giải pháp gỡ vướng cho ngành Điện
Theo các nhà đầu tư, một số thủ tục đầu tư (chủ yếu liên quan đến đất đai như: Chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất…) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư.
Việc UBND các cấp tại địa phương chậm giải quyết thủ tục hành chính là có (vấn đề chậm, muộn giải quyết thủ tục một phần đã gây khó khăn cho DN, người dân, nội dung này đã được đại biểu Quốc hội có ý kiến trong phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua). Tuy nhiên, việc chậm giải quyết thủ tục hành chính này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả của dự án và không phải trách nhiệm thuộc về các nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, để hài hòa lợi ích quốc gia, nhất quán về chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện và động lực cho các nhà đầu tư/DN điện tái tạo phát triển, phục hồi sau đại dịch Covid-19, tránh lãng phí tài nguyên đất nước, cần có giải pháp sớm huy động các dự án hòa lưới điện song song với việc đàm phán giá mua điện mới.
Phải tính toán cho DN có một mức giá đủ để vận hành nhà máy, có thể xem xét mức giá mua điện mới giảm khoảng từ 8-10% so với giá theo Quyết định 39/TTg để phù hợp với tình hình mới và hài hòa giữa các bên.
Phát triển điện gió, điện than phải đi kèm với hệ thống cạnh tranh tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Thế nhưng, ngành Điện vẫn còn nằm trong số ít dịch vụ hàng hóa độc quyền dù đã có chủ trương hình thành thị trường phát điện cạnh tranh cách đây hàng chục năm. Luật Điện lực cũng quy định tách đơn vị phát điện độc lập không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.
Theo tính toán từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để phát triển loại hình năng lượng tái tạo. Nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần còn lại phải xã hội hóa. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội hóa thu hút đầu tư sắp tới sẽ rất lớn với điện gió, điện mặt trời.
Sớm gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo, hoàn thiện quy trình với chính sách phát triển theo hướng tạo điều kiện đảm bảo hoàn vốn và có lợi nhuận, ưu đãi về thuế và đất đai, cạnh tranh công bằng, thì mới có thể thu hút nhà đầu tư.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh