Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Công thương: Hầu hết chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời bỏ qua thủ tục, vi phạm luật

Hương Giang

Thứ năm, 01/06/2023 - 18:02

(Thanh tra) - Hầu hết chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời đã chạy đua thời gian để hưởng giá ưu đãi (giá FIT), bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị có cơ chế tháo gỡ để giải quyết, tránh lãng phí nguồn lực và không bị xem là hợp thức hóa cái sai. Ảnh: P.Thắng

Cần chủ trương để không bị xem “hợp thức hoá cái sai”

Giải trình trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, những năm qua, điện gió, mặt trời phát triển khá mạnh do nhu cầu điện năng tăng nhanh, cơ chế khuyến khích giá hấp dẫn.

Đặc tính của điện gió, mặt trời là không ổn định, vừa rồi phát triển chủ yếu ở miền Trung - nơi có phụ tải thấp, nên theo ông Diên, cần đầu tư lớn về đường dây truyền tải điện, hệ thống lưu trữ.

Cạnh đó, muốn phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo thì phải có một số nguồn điện ổn định. “Tức là phải có khả năng phát điện liên tục để bù đắp những khi "không có cái nắng, cái gió thì phải có cái đó để mà chen vào”, Bộ trưởng Bộ Công thương giải thích.

Các nguồn điện chạy nền tại Việt Nam, gồm thủy điện, nhiệt điện than, dầu, khí, điện sinh khối, trong khi tại nhiều nước có thêm điện hạt nhân.

Dù đắt hơn khi giá nhiên liệu đầu vào cao, phát thải carbon nhiều hơn, nhưng khi chưa có nguồn hoặc giải pháp thay thế, các nguồn từ thủy điện, điện than, dầu, khí vẫn được duy trì huy động để đảm bảo an toàn hệ thống.

Trở lại điện gió, điện mặt trời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận có sự lãng phí nếu các dự án đã đầu tư mà không được khai thác, sử dụng.

Nhưng ông cho biết, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đã chạy đua thời gian để hưởng giá FIT, bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.

“Để không lãng phí, không bị xem là hợp thức hoá cái sai, thậm chí vi phạm pháp luật, rất cần chủ trương của các cấp có thẩm quyền, nỗ lực của chủ đầu tư và sự vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng nêu.

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương và cơ chế tháo gỡ, để có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề, tránh lãng phí nguồn lực và hài hòa lợi ích.

Cơ chế khung giá điện phù hợp thế giới

Liên quan tới khung giá điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp được Bộ Công thương đưa ra thấp hơn giá ưu đãi 20 năm (giá FIT) trước đây, ông Diên giải thích, giá thành nguồn điện này phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ và giá này giảm bình quân 6-8%/năm.

Khung giá phát điện được bộ này đưa ra trên cơ sở Luật Điện lực, Luật Giá, các thông số tính khung giá dựa trên cơ sở thống kê 102 nhà máy điện mặt trời, 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện và tham vấn các tổ chức quốc tế, bộ, ngành khác.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Công thương thông tin, trên thị trường thế giới, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giảm từ 11%/năm, điện gió trên bờ giảm 6,3% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2021.

Với Việt Nam, khung giá ưu đãi ban hành 2020 (giá FIT 2) giảm 8% so với giá ưu đãi 2017 (giá FIT 1); còn khung giá giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2.

“Tỷ lệ giảm suất đầu tư của các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được tính toán và lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc hội đồng tư vấn. Cơ chế giá là phù hợp giá thế giới, thực tế kinh tế - xã hội trong nước”, ông Diên khẳng định.

Ông cũng cho hay, chính sách giá FIT đã hết thời hiệu, thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng, “chứ không phải dừng đột ngột”.

Theo ông, hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng không đủ điều kiện giá FIT với tổng công suất 4.736 MW. Để huy động nguồn điện này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành Thông tư 15 và Quyết định 21 về khung giá.

Đến ngày 30/3, tức sau 2 tháng khung giá có hiệu lực chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ. Qua nhiều nỗ lực của Bộ Công thương, đến 31/5 đã có 59/85 nhà máy có công suất 3.389 MW (chiếm 71,6% số dự án) nộp hồ sơ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có 50 dự án đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá.

Theo ông Diên, có 2 lý do các dự án còn lại chưa gửi hồ sơ. Một là, không muốn đàm phán với EVN trong khung giá Bộ Công thương ban hành với lý do “giá thấp”. Hai là, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc khó khăn về truyền tải điện.

Về nhập khẩu điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, đó là chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được xác định trong quy hoạch điện quốc gia ở từng thời kỳ.

Theo ông, tỷ lệ nhập khẩu điện rất nhỏ, chỉ 572 MW, bằng 0,73% công suất toàn hệ thống. “Nhập khẩu điện là điện sạch, chỉ để cung cấp cho khu vực biên giới, rẻ hơn năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Có phương án giảm sốc, lộ trình hợp lý

Nêu ý kiến trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển (đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng) đề cập, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ phải xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; ưu tiên sử dụng năng lượng gió, mặt trời cho phát điện.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển (đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng). Ảnh: P.Thắng

Trước khi có nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời.

Theo đại biểu, gần đây có sự thay đổi đột ngột về chính sách, quy định khung giá thấp hơn giá FIT đưa ra trước đây 21-29% với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Hệ quả là một lượng lớn sản lượng điện gió, điện mặt trời không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí và đẩy nhà đầu tư điện tái tạo vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

“Từ thời điểm trễ hẹn giá FIT đến thời điểm hiện nay có trên 4.600MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng. Trong khi chúng ta đang trong tình trạng thiếu điện, và phải nhập, mua của nước ngoài”, ông Hiển nói.

Ông Hiển đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh lại chính sách.

“Phải có phương án giảm sốc, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách quá đột ngột, khiến các nhà đầu tư không thể dự báo và có chiến lược kinh doanh phù hợp”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nêu ý kiến.

Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng.

Cần có giải pháp phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó cần bảo đảm cơ chế giá mua điện phù hợp, hài hòa giữa bên mua điện, nhà đầu tư và người sử dụng điện, theo ông Nguyễn Văn Hiển.

Cùng chung lo ngại, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) lưu ý, nhiều dự án đang hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào sản xuất, kinh doanh được, gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội và ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

Ở đây không chỉ lãng phí về vật chất, tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin, ví dụ như các dự án điện tái tạo, theo ông Vận. Từ đó, ông đề nghị phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm