Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội

Thanh Thanh

Chủ nhật, 21/07/2024 - 21:09

(Thanh tra) - 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) vẫn còn vẹn nguyên giá trị; với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng; toả sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Toàn cảnh phiên họp của Hội nghị Giơ-ne-vơ (20/7/1954). Ảnh tư liệu

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

 Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, bài học đầu tiên đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, thắng lợi của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành được tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: TTXVN

Đó là một trong những minh chứng hùng hồn nhất về sự thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của ngọn cờ công lý và chính nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Đó còn là sự thắng lợi của ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam hưởng ứng và đi theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.

 Bài học thứ hai mà GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra đó chính là phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.

Hiệp định Giơ-ne-vơ là thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công Chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Diễn biến của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã phản ánh thực tế so sánh lực lượng trên chiến trường, khi quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động tiến công thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch để phối hợp với đấu tranh ngoại giao, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán trên thế thua.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phương châm “vừa đánh, vừa đàm” đã được vận dụng và phát triển sáng tạo trong quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris (1965-1973), với sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, lấy kết quả tác chiến trên chiến trường làm cơ sở để giành thắng lợi trên bàn đàm phán.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn.” Từ nhận thức sâu sắc đó, trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, Đảng ta đã đề ra chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; coi đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại cùng với tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Giữ vững độc lập, tự chủ

Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng đây là bài học mang tính nguyên tắc của nền ngoại giao Việt Nam, được thực hành, vận dụng sáng tạo bởi những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, mặc dù Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức theo sáng kiến và chịu nhiều tác động, sức ép của các nước lớn với những lợi ích và mục tiêu khác nhau, nhưng với tư thế của người chiến thắng, phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, mong muốn có hoà bình, chấm dứt chiến tranh; vừa kiên quyết giữ vững lập trường có tính nguyên tắc, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam” trong quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Đại diện Chính phủ Pháp - Thiếu tướng Henri Denteil ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm 1954. Ảnh tư liệu

Kế thừa và phát triển bài học đó, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, ngày nay, Đảng ta đã đề ra chủ trương đúng đắn: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Bài học về quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thể hiện rõ qua quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ cho thấy, nguyên tắc bất biến là giữ vững độc lập, tự chủ, kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất trọn vẹn; ứng vạn biến là mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong những tình huống cụ thể để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Việc vận dụng, thực hành sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là biểu hiện sinh động cho đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát, đó là: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường.

Phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Và bài học cuối cùng mà GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề cập tới là phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là chiến thắng của sức mạnh vĩ đại của Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có cả Nhân dân tiến bộ Pháp và các nước thuộc địa.

Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn coi trọng công tác tuyên truyền và tranh thủ dư luận quốc tế nhằm nêu cao lập trường chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại; thể hiện thái độ thiện chí và khát vọng độc lập của Nhân dân Việt Nam, vạch trần âm mưu phá hoại Hội nghị, kéo dài đàm phán của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc trong đấu tranh dư luận ở Hội nghị Giơ-ne-vơ đã được đúc rút và phát huy trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Việt Nam.

Phát huy truyền thống của dân tộc và những bài học quý báu của cách mạng Việt Nam, ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “dân là gốc”, phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhấn mạnh: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.

Trần Trung

17:51 22/11/2024
Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm