Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Thanh
Thứ sáu, 19/07/2024 - 12:43
(Thanh tra) - Nhìn lại 70 năm ngày kí Hiệp định Giơ-ne-vơ là dịp thế hệ ngày nay hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn và tri ân sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Khánh
Trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, sáng 19/7, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “70 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” (21/7/1954 - 21/7/2024).
Hiệp định Giơ-ne-vơ là một sự kết hợp mẫu mực giữa “đánh” và “đàm”
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: “Cách đây đúng 70 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) và trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta”.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Về đối ngoại, Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 là diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn mà lần đầu tiên Việt Nam tham gia.
Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến; có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập; thấm đượm tinh hoa văn hoá dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn kết hợp khéo léo giữa “đánh” và “đàm”, giữa giành thắng lợi mang tính chiến lược trên chiến trường với giải pháp ngoại giao để bảo vệ nền độc lập và lập lại hoà bình.
Theo Bộ trưởng, Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ là một sự kết hợp mẫu mực và điển hình như vậy. Sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chuyển hoá những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi về chính trị, pháp lý và đối ngoại.
Nghiên cứu về Hội nghị Giơ-ne-vơ luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự và các nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nước và ngoài nước trong suốt 70 năm qua.
Nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được tổ chức, và mỗi hội thảo, toạ đàm lại giúp chúng ta có thêm góc nhìn mới, phát hiện mới, kết quả nghiên cứu mới, có giá trị về Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Hiệp định Giơ-ne-vơ chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại
Bộ trưởng cho rằng, thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử hầu như không còn, hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời, thông qua các trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan để thống nhất nhận thức trong nội bộ ta về vai trò và ý nghĩa của hiệp định, trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học về vận dụng kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay.
Bộ trưởng mong rằng, các tham luận của các cơ quan và các nhà nghiên cứu tại hội thảo này, dưới góc nhìn lịch sử, sẽ góp phần làm sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Theo Bộ trưởng, hội thảo cũng là cơ hội để ôn lại, tổng kết, đánh giá những bài học quý báu, còn nguyên giá trị của Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này, cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Việc đúc kết các bài học lịch sử từ quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần phục vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp luận cho đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh cũng như xây dựng, hoàn thiện và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong các giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Nhìn lại 70 năm ngày kí Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng là dịp thế hệ ngày nay hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn và tri ân sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
“Chúng ta mãi ghi nhớ sự cống hiến hết mình của các cán bộ tham gia đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Hội thảo cũng quy tụ nhiều bài viết có chất lượng, thể hiện sự quan tâm, nhiệt huyết của các cơ quan, học giả, cán bộ lão thành về quá trình đàm phán, ký kết và thi hành hiệp định và đã được tập hợp thành kỷ yếu hội thảo, làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực, thúc đẩy các cơ hội tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Thanh Lương
08:49 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong giai đoạn phát triển mới”.
Trần Trung
19:07 21/11/2024T.Thanh
20:42 20/11/2024T.Thanh
13:17 20/11/2024Trần Kiên
14:45 19/11/2024T.Thanh
12:11 19/11/2024Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu