Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Heo đất hồi sinh

Chủ nhật, 04/09/2011 - 21:19

(Thanh tra) - Từng có một quá khứ vàng son với sản phẩm được xuất đi khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Làng nghề làm heo đất truyền thống ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với số lượng hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất, đến nay chỉ còn lại hơn 20 hộ đeo bám với nghề. Không còn cảnh nhộn nhịp xe người xuống hàng như những năm về trước.

Người nông dân vẫn có thể sống được bằng nghề truyền thống

Tìm về làng nghề (ấp Bình Thuận 1 và Bình Thuận 2) khi ở đây đang vào giờ sản xuất. Nhìn vào không khí làm việc hết sức khẩn trương của 5 lao động tại một xưởng sản xuất gia đình với mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt, tôi chợt mừng vì biết rằng, làng nghề vẫn “sống” và đã vượt qua những thăng trầm của đợt suy thoái kinh tế vừa qua.

Chỉ tay ra giàn phơi với hàng ngàn chú heo đất đang “sưởi nắng”, anh Trần Thanh Hưng, chủ hộ làm heo đất ở tổ 5, ấp Bình Thuận 1 nói như phân trần: “Nhà mới nhận được đơn đặt hàng làm 5.000 con heo đất của công ty Vĩnh Thịnh ở TP. Hồ Chí Minh, nên cả nhà phải hối hả làm việc cho kịp tiến độ giao hàng. Hai tháng nay mới có một đơn hàng lớn như vậy, chứ thường ngày chủ yếu là tự sản xuất, tự mang đi bán kiếm sống qua ngày. Thấy xôm tụ thế thôi, nhưng làng nghề heo đất ở đây đã qua rồi cái thời vàng son”. Nói rồi anh Hưng, rửa tay mời chúng tôi vào nhà.

Sau vài phút chào hỏi xã giao, biết chúng tôi về đây tìm hiểu viết bài về làng nghề, như tìm được người tri âm, anh Hưng cởi bỏ tấm lòng cùng tôi. Theo lời anh Hưng, hiện nay bình quân một lao động ở làng nghề chỉ kiếm được khoảng 50-60 ngàn đồng/ngày cho 12 tiếng làm việc, và sản phẩm chủ yếu được người trực tiếp làm ra mang về TP. Hồ Chí Minh bán, hoặc giao sỉ cho các tiệm tạp hóa trong và ngoài tỉnh. Số lượng lao động theo nghề cũng giảm đi rất nhiều do đời sống từ việc sản xuất trở nên hết sức bấp bênh.

“Trước kia khi còn nhiều đơn hàng, mẫu mã và chủng loại đa dạng, người lao động còn có thể sống bằng nghề. Nhưng do hiện nay số lượng đơn hàng giảm đi rất nhiều, thị trường cũng “kén” việc tiêu thụ, nên đời sống của người lao động tại làng nghề cũng không thật sự dễ thở như  trước” anh Hưng nói.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhà ở tổ 6, ấp Bình Thuận 2 với 3 đời theo nghề cho biết: “Bình quân, với một con heo đất sau khi người làm hoàn thành tất cả mọi khâu (nặn đất, đổ khuôn, nung, sơn màu đến giao cho thương lái), người lao động lời được 500 đồng. Do đó, việc 20 hộ gia đình của làng nghề còn làm heo đất ở đây chủ yếu là yêu nghề hoặc do truyền thống của gia đình, chứ rất ít người xác định đây là một nghề để làm giàu”.

Với việc đầu ra cho sản phẩm hiện nay hết sức nhỏ hẹp, mức thu nhập giảm hơn một nửa so với vài năm trước, nên phần lớn lao động chủ yếu là phụ nữ. Họ tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, hoặc đi làm thuê cho các cơ sở lớn như của ông Út Thương, bà Bảy Trầu kiếm dăm ba chục/ngày phụ giúp gia đình, chứ không còn mấy hộ trong làng nghề theo đuổi sản xuất.

Chị Phan Thị Bích Lan, người làm công (sơn và vẽ cho heo đất) tại cơ sở của ông Út Thương cho biết: “Với công việc hiện tại được ông Út Thương trả 50 - 70 ngàn/ngày/ 10 tiếng tùy theo khối lượng công việc có dao động hay không, nên có thể nói mức sống là không đủ với 3 đứa con nhỏ còn đang đi học. Trước kia, một ngày hai vợ chồng chị có thể kiếm được 200 - 250 ngàn đồng/ngày cho 12 tiếng làm việc, cuộc sống vì thế cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, do hiện nay giá cả ngày càng leo thang, mức thu từ 100 - 120 ngàn đồng/ngày chi phí cho cả gia đình 5 nhân khẩu, tiền nhà trọ là hết sức khó khăn”.

Khó khăn là vậy, nhọc nhằn là vậy nhưng phần lớn những người bám nghề tại làng nghề heo đất Thuận An đều ấp ủ một ước mơ cho riêng mình. Người thì ấp ủ làng nghề sẽ trở lại thời vàng son, người thì mong ước chú heo đất sẽ giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn, người thì mơ về một điều gì đó diệu kỳ hơn ở tương lai thông qua việc lấy ngắn nuôi dài cho các con, các cháu được ăn học thành tài.

Kỳ 2: Hy vọng đổi thay


Anh Nguyễn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm