Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống... "lạm thu"

Hải Hà

Thứ ba, 17/09/2024 - 15:54

(Thanh tra) - Tiếng trống trường đã điểm, năm học mới đã chính thức bắt đầu. Hiện, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai họp phụ huynh để thông tin về các khoản thu đầu năm học. Năm học này, cùng với công khai các khoản thu, Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống... "lạm thu".

Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống... "lạm thu". Ảnh: HEU

Công khai các khoản thu

Năm học 2024-2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về sĩ số học sinh các cấp học với gần 2,3 triệu em học tập tại hơn 2.900 ngôi trường. Vấn đề thu, chi đầu năm học luôn là đề tài “nóng” được dư luận quan tâm.

Ngay trước thềm năm học mới, trên một vài diễn đàn của phụ huynh học sinh Hà Nội đã xôn xao câu chuyện thu, chi tại Trường THCS Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Theo thông tin phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh diễn ra trước năm học, nhà trường chủ trương thu 200.000 đồng/học sinh để làm phông bạt che nắng ở sân trường.

Trước thông tin trên, có phụ huynh cho rằng, với tổng số gần 1.000 học sinh, thì số tiền 200 triệu đồng để làm phông bạt chưa phù hợp. Ngoài ra, còn có thông tin mỗi học sinh đóng 20.000 đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50.000 đồng/tháng để in sao tài liệu nhưng giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự in...

Câu chuyện xảy ra tại Trường THCS Vạn Phúc không mới bởi "đến hẹn lại lên" cứ vào đầu năm học, việc thu, chi của các trường lại “nóng”, khiến dư luận xôn xao.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát thẳng thắn nhìn nhận, đầu năm học thường xảy ra hiện tượng phụ huynh bàn tán về các khoản thu, chi, đăng thông tin lên mạng xã hội gây ra những “điều này, điều khác” và Trường THCS Vạn Phúc là một ví dụ.

Khi nhà trường mới có chủ trương, chưa thu nộp bất kỳ khoản nào, phụ huynh trong quá trình bàn bạc, chưa thống nhất với nhau nhưng đã đăng thông tin lên mạng xã hội. Trước sự việc này, Công an huyện đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và yêu cầu phụ huynh gỡ bỏ.

“Dù có bất kỳ thông tin gì từ phía phụ huynh học sinh hay trên mạng xã hội về thu, chi đầu năm, Phòng GD&ĐT huyện đều vào cuộc xác minh. Nếu thông tin đúng sẽ thực hiện theo quy trình, nếu sai phải xem nguồn cơn bắt nguồn từ đâu và sẵn sàng mời công an vào cuộc, tránh ảnh hưởng đến uy tín của các trường”, ông Ngát nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý thu, chi năm học mới. Trong đó, quy định rõ, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo của các trường.

Đặc biệt, huyện yêu cầu Thanh tra huyện chủ trì phối hợp với Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu tổ chức các cuộc thanh tra và xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm quy định về thực hiện các khoản thu, chi.

Liên quan đến nội dung thu, chi đầu năm, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước để thực hiện đúng các quy định về thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhìn nhận, vấn đề "lạm thu" trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh. Vì thế, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn có chỉ đạo rõ ràng.

Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.

Theo đó, mức thu học phí của các trường công lập trên địa bàn thành phố được thực hiện theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND thành phố. Mức thu này đã được thực hiện từ năm học 2023-2024, nên không mới với phụ huynh.

Đáng chú ý, năm học này, lần đầu tiên Hà Nội có quy định đối với các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT theo Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND thành phố.

Thời điểm này, các trường trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai họp phụ huynh để thông tin các nội dung đầu năm học, trong đó có các khoản thu. Theo ghi nhận, tại Trường THCS Thịnh Liệt, Thanh Trì, các khoản thu được nhà trường công khai tới phụ huynh học sinh.

Cụ thể, năm học này, nhà trường thu các khoản như tiền ăn 35.000 đồng/học sinh/bữa (gồm 1 suất ăn chính, và 1 bữa ăn phụ); trang thiết bị phục vụ bán trú 133.000 đồng/học sinh/năm; chăm sóc bán trú 235.000 đồng/học sinh/năm; nước uống 16.000 đồng/học sinh/ tháng... Đối chiếu với danh mục được thu theo Nghị quyết 03/2024 của HĐND thành phố, các khoản thu này đều theo đúng quy định.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông cũng vừa tổ chức họp phụ huynh các khối từ lớp 1 đến lớp 5. Theo thông tin từ nhà trường, năm học này, các khoản thu hỗ trợ hoạt động giáo dục được thực hiện theo Nghị quyết 03/2024 của HĐND thành phố: Tiền ăn 32.000 đồng/học sinh/ngày; dịch vụ chăm sóc bán trú 235.000 đồng/học sinh/tháng; nước uống 16.000 đồng/học sinh/tháng…

Như vậy có thể thấy, Nghị quyết 03/2024 đã tạo ra hành lang pháp lý để các trường thực hiện thu đúng các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Đồng thời, đây cũng kênh thông tin quan trọng để phụ huynh giám sát các khoản thu của các trường.

Năm học 2024-2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về sĩ số học sinh các cấp học với gần 2,3 triệu em học tập tại hơn 2.900 ngôi trường. Ảnh: HH

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để chống “lạm thu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi ngay từ những ngày đầu năm học để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng “lạm thu”.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Sở đã ban hành văn bản triển khai công tác thanh tra và hướng dẫn kiểm tra năm học đối với các cơ sở giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới thanh tra, kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm, thực hiện chương tình giáo dục nước ngoài, liên kết tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và cả việc quản lý thu, sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách...

Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong giáo dục để kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý sai phạm...

Đối với các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các trường; chú trọng tới thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là quản lý thu và sử dụng các các thu ngoài ngân sách...

Bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, để chống “lạm thu” đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm; không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Các phòng GD&ĐT công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có thu chi.

Việc thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.

Đặc biệt, hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra “lạm thu” trong trường học.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì chia sẻ, Phòng đã yêu cầu các trường không thu gộp các khoản vào đầu năm học. Một số trường đã họp phụ huynh và triển khai những nội dung dự định thu, khi họp xong sẽ công khai và phải được phụ huynh đồng tình. Sau đó, các trường làm văn bản báo cáo lên huyện, huyện đồng ý mới thực hiện thu.

“Đơn vị nào tự ý thu, hoặc để thu, chi sao quy định, khiến dư luận xã hội bất bình thì sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì khẳng định. Đồng thời cho biết thêm: Năm học 2023-2024, huyện đã xử lý 2-3 hiệu trưởng, từ nhắc nhở đến kỷ luật khiển trách, cảnh cáo.

Liên quan đến việc lợi dụng danh nghĩa hội cha mẹ học sinh để truyền đạt ý kiến của nhà trường, ông Ngát cho rằng, quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, hội cha mẹ học sinh phải thực hiện theo Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT.

Thông tư 55 quy định rất rõ 7 khoản không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm thiết bị cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ quản lý, dạy học; sửa chữa, xây mới các công trình.

Căn cứ vào quy định đó, phụ huynh phải hiểu rõ, rạch ròi giữa các khoản thu và phải nói lên tiếng nói của mình. Tuyệt đối không mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh để thu những khoản trái quy định.

Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu năm học, các bậc phụ huynh cũng cần nói lên tiếng nói của mình để góp phần đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng… “lạm thu”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm